Multimedia Đọc Báo in

“Nóng” công tác trọng tài

08:15, 23/04/2023

Gần hai tháng tạm nghỉ nhường chỗ cho các đội tuyển quốc gia dự giải quốc tế, V.League đã trở lại trong bộn bề lo toan của Ban tổ chức giải lẫn các câu lạc bộ tham gia. Thật đáng lo ngại khi chất lượng chuyên môn, sự hấp dẫn chưa được cải thiện thì công tác trọng tài vẫn là "điểm nóng".

1. Một loạt sự cố, sai sót liên quan đến công tác trọng tài cả giải hạng Nhất lẫn chuyên nghiệp buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải lên tiếng. Trong công văn chỉ đạo riêng đội ngũ “cầm cân, nảy mực”, VFF đề nghị: Đối với Ban Trọng tài, các thành viên Ban Trọng tài cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm đóng góp vào công tác phân công trọng tài tại các trận đấu; bổ nhiệm trọng tài đúng năng lực và phù hợp với tính chất trận đấu theo đúng quy trình đã được Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông qua; sau mỗi lượt trận đấu, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác điều hành của các tổ trọng tài, hạn chế lặp lại các sai sót đã từng xảy ra; liên tục đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trọng tài, trợ lý trọng tài để bổ nhiệm trọng tài phù hợp với tính chất chuyên môn của các vòng đấu tiếp theo; phối hợp với Ban Tổ chức giải nghiên cứu, đề xuất mời các trọng tài khu vực điều hành tại các trận đấu quan trọng trong giai đoạn phân tách nhóm dựa trên các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với các liên đoàn bóng đá quốc gia; phối hợp chặt chẽ với FIFA tổ chức đợt tập huấn lần thứ hai nhằm sớm đưa hệ thống VAR vào sử dụng hỗ trợ cho công tác trọng tài.

Không thể để dư luận bức xúc thêm, ở vòng 7, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), cùng Ban Trọng tài VFF đã phải thuê hai trọng tài Malaysia về điều hành hai trận đấu nhạy cảm. Đồng thời, tiếp tục tổ chức khóa đào tạo đợt 2 trong phòng LAB (Laboratory) dành cho trọng tài VAR, diễn ra từ ngày 18/4 đến 3/5 tại Hà Nội.

Giải chuyên nghiệp chỉ mới diễn ra 7 vòng nhưng khâu trọng tài gây quá nhiều bức xúc, để VFF phải ra công văn chấn chỉnh, thuê trọng tài ngoại, thực sự khiến nhiều người lo âu cho chặng đường quá dài còn lại. Công nghệ VAR chưa biết lúc nào mới được triển khai. Mùa nào các “vua sân cỏ” cũng được tập huấn chu đáo, ngay quãng nghỉ vừa qua giới trọng tài cũng được bố trí tập huấn; vậy mà vẫn quá nhiều sai sót.

au mỗi lượt trận đấu, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác điều hành của các tổ trọng tài.

2. Xưa nay, việc các đội luôn có phản ứng thái quá, cố ý đổ lỗi trách nhiệm với đội ngũ trọng tài là thường xuyên xảy ra. Đấy là hành vi thiếu chuyên nghiệp. Dù thế, Ban Trọng tài nhiều lần nương tay với sai sót nghiêm trọng của “quân” mình, bất chấp hậu quả mà các câu lạc bộ lãnh phải, tạo nên mối quan hệ căng thẳng giữa hai phía. Nói cách khác, các câu lạc bộ không tin tưởng sai sót của trọng tài là do kỹ thuật, do thiếu trình độ, mà xuất phát từ tư tưởng thiếu trong sáng. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có chế tài đủ mạnh đối với vi phạm trong công tác trọng tài; chưa có sự giám sát chặt chẽ quy trình phân công nhiệm vụ cho trọng tài, quy trình mổ băng phân định đúng - sai; chưa có sự công minh ở các mức độ kỷ luật, để giúp họ miễn nhiễm với tiêu cực. Khâu trọng tài luôn là điểm yếu nhất của giải chuyên nghiệp, nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Trưởng Ban Trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ cho biết: Quan điểm của ban là cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn. Ông Hạ khẳng định đội ngũ trọng tài Việt Nam hiện nay đã đủ số lượng lẫn chất lượng để điều hành hệ thống giải đấu chuyên nghiệp. Ông mong các câu lạc bộ cần tôn trọng các trọng tài đang làm nhiệm vụ trên sân, hành xử văn minh và không nên cố đổ lỗi thất bại do trọng tài. “Tại sao khi thuê trọng tài ngoại sang điều hành thì các đội ít khi phản ứng dữ dội trước các quyết định của trọng tài, thậm chí còn nể trọng. Tôi nghĩ rằng giờ nút thắt của công tác trọng tài Việt Nam là phải có công nghệ VAR. Nếu chưa có thì còn mãi tranh cãi, định kiến với giới trọng tài”, ông Hạ phân trần.

Song, thiết nghĩ nếu VFF không có chế tài đủ mạnh với lực lượng trọng tài, buộc họ thượng tôn luật bóng đá, e rằng công nghệ VAR cũng chưa đủ.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.