Multimedia Đọc Báo in

Bóng bàn Việt Nam giải "cơn khát vàng" sau 13 kỳ SEA Games

08:23, 16/05/2023

Sau 26 năm mòn mỏi đợi chờ, bóng bàn Việt Nam đã có tấm Huy chương Vàng (HCV) tại đấu trường danh giá nhất khu vực nhờ công của Trần Mai Ngọc - Đinh Anh Hoàng sau khi cặp đôi này xuất sắc vượt qua hai đối thủ Clarance Zhe Chew – Jian Zeng đến từ Singapore trong trận chung kết.

Tấm HCV bóng bàn đôi nam nữ SEA Games mà Việt Nam đoạt được gần đây nhất là tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 19 diễn ra tại Jakarta (Indonesia) nhờ công của Vũ Mạnh Cường - Ngô Thu Thủy. Kể từ đó, bóng bàn nước nhà chưa tìm được một cặp đôi hoàn hảo, có khả năng phối hợp ăn ý, hiệu quả để có thể giúp Việt Nam tái lập chiến tích ở bộ môn thể thao hấp dẫn này, kể cả khi có lợi thế là nước chủ nhà tại SEA Games 31, với hai tay vợt được kỳ vọng rất lớn là Nguyễn Đức Tuân và Bùi Ngọc Lan.

Chính vì thế, trước khi SEA Games 32 khởi tranh, bóng bàn Việt Nam chỉ đặt mục tiêu có thể đoạt HCV ở nội dung đồng đội nam hoặc đơn nam, còn những nội dung khác thì không giao chỉ tiêu, mà chỉ phấn đấu hết khả năng.

Cặp đôi Mai Ngọc - Anh Hoàng đem về tấm Huy chương Vàng cho bóng bàn Việt Nam sau 13 kỳ SEA Games. Ảnh: Việt An

Vậy nên việc cặp đôi Mai Ngọc - Anh Hoàng vượt qua Sarawut Tancharoen - Wanwisa của Thái Lan, vốn được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch ở bán kết đã là một bất ngờ ngoài mong đợi. Đối thủ của Việt Nam ở chung kết là cặp đôi đương kim Á quân SEA Games 31 Clarance Zhe Chew – Jian Zeng của Singapore nên cổ động viên dù lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến một kịch bản khó tin, nhất là khi hai tay vợt của Việt Nam còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm thi đấu trên các đấu trường (Mai Ngọc chỉ 19 tuổi, còn Anh Hoàng 21 tuổi).

Bị đánh giá thấp hơn đối thủ nên dễ hiểu khi bước vào trận đấu quyết định, ở séc thứ nhất cả Mai Ngọc và Anh Hoàng đều bị tâm lý, khởi đầu chậm chạp, có lúc bị đối thủ dẫn đến 10-3, chỉ còn 1 điểm nữa là kết thúc séc đấu. Thế nhưng Mai Ngọc và Anh Hoàng đã thể hiện tinh thần thi đấu tuyệt vời, kiên trì ghi từng điểm số để san bằng rồi khép lại hiệp 1 với cuộc lội ngược dòng không tưởng: thắng 13-11. Tiếp đà hưng phấn, sang séc thứ hai Mai Ngọc và Anh Hoàng cũng đánh bại đối phương với tỷ số 11-8. Ở séc thứ ba, Clarance Zhe Chew – Jian Zeng vươn lên mạnh mẽ rồi giành chiến thắng, rút ngắn cách biệt xuống 1-2 để kéo trận đấu sang séc thứ tư. Song, sau khi đã giải tỏa được áp lực tâm lý, Mai Ngọc và Anh Hoàng thi đấu cực kỳ tự tin trong séc quyết định, buộc đối thủ phải gác vợt sau thắng lợi sít sao 14-12, đem lại chiến thắng ngọt ngào cho tuyển bóng bàn Việt Nam.

Khán giả đam mê môn bóng bàn Đắk Lắk không lạ gì với hai nhà vô địch SEA Games 32 Mai Ngọc và Anh Hoàng, bởi đã từng được thưởng thức những pha bóng đẹp của cặp đôi này tại giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc do Đắk Lắk đăng cai tổ chức năm 2020. Khi ấy, Anh Hoàng trong màu áo Hà Nội đã tiến đến trận chung kết và dù để thua tay vợt Đăng Hiệp (Quân đội) trong trận chung kết song Anh Hoàng cho thấy triển vọng rất lớn của mình. Anh chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc tại Giải bóng bàn các đội mạnh quốc gia 2022 cũng tổ chức tại Đắk Lắk khi cùng người đồng đội Lê Đình Đức vượt qua cặp đôi Nguyễn Đức Tuân (đương kim vô địch SEA Games 31, nội dung đơn nam) và Đoàn Bá Tuấn Anh của tỉnh Hải Dương để đăng quang ngôi vô địch.

Trong khi đó, Mai Ngọc lại khẳng định tài năng, đủ sức thay thế các tay vợt đàn chị khi lần lượt đánh bại hai "tượng đài" của bóng bàn Việt Nam là Mai Hoàng Mỹ Trang và Phan Hoàng Tường Giang để lên ngôi vô địch đơn nữ. Tay vợt quê ở Bình Dương sở hữu những pha phát bóng kỹ thuật, có độ xoáy rất khó và những pha tấn công từ xa bàn quyết đoán, hiệu quả.

Sự lên ngôi của cặp đôi này ở đấu trường SEA Games là tín hiệu vui, cho thấy bóng bàn Việt Nam đã sẵn sàng trở lại cuộc đua tranh với các đối thủ mạnh trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia cho vị thế số 1 Đông Nam Á.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.