Của cho và cách cho
Với 4 tấm Huy chương Vàng (HCV) có được tại SEA Games 32, nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã nhận được cơn mưa tiền thưởng. Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn như Oanh.
Tại SEA Games 32, vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Oanh thi đấu ấn tượng và giành 4 HCV ở tất cả nội dung thi đấu là 5.000 m, 1.500 m, 10.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Với mỗi HCV, Nguyễn Thị Oanh nhận thưởng 45 triệu đồng theo Nghị định 152 của Chính phủ và khoản thưởng "nóng" 23 triệu đồng từ Đoàn Thể thao Việt Nam (92 triệu đồng/4 HCV). Ngoài ra, cô cũng nhận được tiền thưởng 50 triệu đồng từ đơn vị đồng hành và 50 triệu đồng từ Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam ngay khi kết thúc ngày thi đấu thứ 2 (9/5).
Bên cạnh đó, về phía tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp trao thưởng 70 triệu đồng (trích từ Quỹ Thi đua khen thưởng) và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho nữ VĐV sinh năm 1995.
Cùng thời điểm, đại diện Liên danh chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bắc Giang cũng tặng Nguyễn Thị Oanh một căn hộ trị giá 700 triệu đồng. Tập đoàn Thaco gửi tặng nữ vận động viên một chiếc xe trị giá hơn 900 triệu đồng (bao gồm thuế và các chi phí khác).
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh xứng đáng nhận được những phần thưởng. |
Tính đến thời điểm hiện tại, cô gái vàng của thể thao Việt Nam đã có 442 triệu đồng tiền thưởng, 1 xe ô tô trị giá 900 triệu đồng và 1 căn nhà trị giá 700 triệu đồng.
Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông tập đoàn Thaco đã viết: “Xin cảm ơn Liên đoàn điền kinh Việt Nam và VĐV Nguyễn Thị Oanh đã chấp nhận quà tặng chiếc xe ô tô Pháp, hiệu PEUGEOTt 2008”. Rõ ràng, Thaco và nhà văn Nguyễn Một đã ghi điểm bởi một việc làm rất đúng thời điểm. Thực tế, dòng trạng thái của ông nhận được vô số lời khen ngợi.
Tại SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên một hiện tượng rất khó lặp lại, truyền cảm hứng cho nhiều người về khát vọng chiến thắng nghịch cảnh. Cô xứng đáng nhận được nhiều hơn thế bởi những vinh quang mang về cho đất nước.
Tuy nhiên, không phải đồng đội nào của Oanh trong đội tuyển điền kinh cũng thành công để nhận thưởng. 702 VĐV Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á cũng tương tự. Ngoài bóng đá có chế độ tốt cho cầu thủ, các VĐV môn khác thu nhập rất thấp. Họ quần quật tập luyện, mỗi năm chỉ được thi đấu một số giải quốc tế, đấy phải là những gương mặt đẳng cấp. SEA Games hai năm tổ chức một lần, giải VĐV quốc gia diễn ra hằng năm. Nhìn chung, may mắn lắm mới đạt HCV để nhận tiền thưởng theo quy định.
Chuyện thưởng ở ta cũng “muôn hình, vạn trạng”, chỉ dồn hết cho bóng đá. Ở thể thao đỉnh cao, thường khi một VĐV xuất sắc, các mạnh thường quân mới ồ ạt tuyên bố thưởng. Đã có nghịch lý doanh nghiệp hô thưởng rất lớn nhưng rồi lại không giải ngân. Điều đó gây tổn thương lớn cho VĐV.
Trong quá khứ, có một hành động thưởng hiếm có do ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch tập đoàn T&T khởi phát. Tại ASIAD 2014, ông tuyên bố treo thưởng lớn cho các VĐV đoạt HCV, HCB và HCĐ. Đặc biệt, kể cả huy chương đồng đội, tất cả các thành viên đều được nhận mức thưởng như nhau. Ông bầu Hiển đã gây nức lòng giới thể thao năm đó.
Trên con đường phát triển, nền thể thao nào cũng cần có cơ chế thưởng tương xứng. Mặt khác, chế độ đãi ngộ cho VĐV phải được nâng tầm. Không chỉ thế, các tài năng phải được đầu tư chuyên biệt, không ngừng đưa đi tập huấn môi trường đỉnh cao, thường xuyên cọ xát các giải quốc tế.
Từ cơn mưa tiền thưởng dành cho “siêu nhân” Nguyễn Thị Oanh đã vỡ vạc nhiều thông điệp cho ngành thể thao cũng như xã hội, để chúng ta cùng ứng xử nhân văn hơn với các tài năng thể thao nước nhà.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc