Multimedia Đọc Báo in

Nhập tịch vận động viên: Để không lâm cảnh “lợi bất cập hại”!

06:39, 10/05/2023

Nhập tịch vận động viên nước ngoài đang là xu hướng chung của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu chỉ phục vụ mục tiêu ngắn hạn, trong đó có đấu trường SEA Games thì rất dễ lâm vào cảnh “lợi bất cập hại”.

Còn nhớ năm 2018, tuyển bóng đá nữ Philippines để thua Hàn Quốc 0-5 trong trận play-off tranh vé dự World Cup 2019. Dù thất bại nhưng bóng đá Philippines chưa bao giờ có cảm giác ở gần World Cup như vậy. Họ chỉ cách sân chơi lớn nhất dành cho bóng đá nữ một trận đấu. Và điều đó đã khiến Liên đoàn Bóng đá Philippines (PFF) quyết định tập trung đầu tư cho các cô gái bởi những nhà quản lý bóng đá ở quốc gia này hiểu rằng, con đường dự World Cup của tuyển nữ có phần nào dễ hơn bóng đá nam.

PFF bắt đầu nhập tịch thêm nhiều cầu thủ nữ có gốc Philippines để nâng tầm tuyển quốc gia. Trong danh sách 23 cầu thủ Philippines dự Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 có đến 19 người không sinh ra ở Philippines. Rất nhiều cầu thủ trong số này mới lần đầu khoác áo tuyển nữ Philippines dự một giải đấu chính thức.

Thảo My (phải) cùng cô em song sinh Thảo Vy là Việt kiều Mỹ, giúp đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam giành chiếc Huy chương Vàng lịch sử.

Trong danh sách 20 tuyển thủ nữ của đội tuyển Philippines dự SEA Games 32 lần này, chỉ mỗi Anicka Castaneda là cầu thủ gốc Philippines duy nhất và hiện đang thi đấu tại Úc. Còn lại đều là cầu thủ nhập tịch đến từ Mỹ và các nước châu Âu.

Trong những ngày qua, hình ảnh đội tuyển bóng rổ nam 3x3 Campuchia đăng quang với 3 cầu thủ nhập tịch từ Mỹ rất cao to đã làm nhiều người “cười nụ”. Ở nội dung 5x5, đội bóng rổ nam Campuchia cũng có tới 6 vận động viên nhập tịch từ Mỹ có chiều cao và thể hình vượt trội các đối thủ. SEA Games năm nay, chủ nhà là nước có số vận động viên nhập tịch nhiều nhất.

Đến SEA Games 32, đội U22 Singapore có 6 cầu thủ nhập tịch. Thế nhưng đội bóng đảo quốc sư tử vẫn bị loại sớm. Từ lâu, Singapore luôn là quốc gia đi đầu trong "phong trào" nhập tịch vận động viên ở tất cả các môn. Thực tế, họ cũng đã đạt được một số thành tựu, riêng bóng đá 4 lần đăng quang AFF Cup. Sau thời gian, chính người dân Singapore cũng chẳng lấy gì làm tự hào vì những thành tích trong thể thao mà họ có được. Một vài chuyên gia đặt ra câu hỏi: Vì sao những người sinh ra tại Singapore còn gặp khó khăn trong vấn đề quốc tịch, trong khi những vận động viên thể thao ngoại quốc lại dễ dàng trở thành công dân và đại diện cho quốc gia ở các đấu trường lớn?

Việc nhập tịch cầu thủ ngoại ồ ạt đã giúp bóng đá nữ Philippines nhanh chóng có thành tích, tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với nhiều tài năng nội có quá ít cơ hội lên tuyển. Trong khi đó, công tác đào tạo trẻ, giải vô địch quốc gia nữ của Philippines không được chú trọng. Đấy là sự khác biệt rất lớn với bóng đá nữ Việt Nam với 8 lần vô địch SEA Games, 2 lần vô địch AFF Cup bằng chính nội lực của mình. Đội tuyển quốc gia nam hiện nay chỉ mỗi thủ môn Văn Lâm là cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên, anh mang trong mình dòng máu Việt, như một cầu thủ Việt Nam chính hiệu.

Một nền thể thao muốn phát triển bền vững cần có chân đế vững. Đấy là thể thao phong trào, học đường, đào tạo trẻ, hệ thống giải chuyên nghiệp phải luôn được chăm bẵm, thúc đẩy. Những vận động viên nhập tịch phải có dòng máu quốc gia, thực sự có tài năng. Chỉ như thế mới tạo được sự cộng hưởng cho nền thể thao. Việt Nam có quyền tự hào khi bao năm qua chỉ sử dụng các vận động viên mang trong mình dòng máu Việt, luôn dang tay đón những người con xa xứ về tham gia đội tuyển.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.