Multimedia Đọc Báo in

“Có bột mới gột nên hồ”

08:31, 25/06/2023

1. Trận chung kết giữa U22 Thái Lan - U22 Indonesia tại SEA Games 32 Campuchia cho thấy Indonesia đã tiến bộ vượt bậc, chiến thắng quá thuyết phục trước Thái Lan, nên việc thầy trò ông Troussier thua Indonesia ở bán kết là chuyện dễ hiểu.

Chất lượng của U22 Việt Nam thua hẳn hai đối thủ trên, trình độ cũng không vượt trội hẳn so với nhóm 2. Tại vòng bảng, chúng ta thắng Lào chỉ  2-0, thắng Malaysia 2-1. Nên nhớ thời U23 Việt Nam vô địch SEA Games 30 (năm 2019), lứa Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh… đã lập nhiều chiến tích lẫy lừng, kinh điển nhất là á quân U23 châu Á năm 2018. Một “thế hệ vàng” đúng nghĩa, về cả chuyên môn lẫn đạo đức, khát vọng chiến thắng. Trong bối cảnh đó, Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo không thành công mới là chuyện lạ.

Nhưng từ SEA Games 31, người hâm mộ nước nhà đã bắt đầu không yên tâm với lứa cầu thủ gánh vác trên vai trọng trách bảo vệ tấm Huy chương Vàng bóng đá nam. Đơn giản là đội bóng có quá ít nhân tố nổi bật. Đường đến ngôi vô địch rất chật vật, nếu như không nói rằng may mắn đã mỉm cười với thầy trò ông Park Hang-seo khi ấy. Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đã làm mọi cách để mong đưa đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2020, 2022, rốt cuộc cả hai lần đều thất bại. Màn chia tay của ông với bóng đá Việt Nam không thể gọi là trọn vẹn.

Mới đây, HLV Hoàng Anh Tuấn đã nhận xét rất xác thực: Bóng đá Việt Nam và lứa Quang Hải đã chạm ngưỡng giới hạn. Việc họ đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã là “kịch khung”.

Những nhận xét của HLV Hoàng Anh Tuấn thật đáng suy ngẫm. Thực tế, bóng đá Việt Nam đang đi xuống, đang rơi vào cuộc khủng hoảng kế cận. Chúng ta đã thất bại hai kỳ AFF Cup liên tiếp, kỳ SEA Games gần nhất, liệu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và người hâm mộ có chấp nhận sự thật đó, để không quá đòi hỏi “phù thủy trắng”  Troussier phải nhanh chóng đưa bóng đá Việt Nam lớn mạnh, giành vé dự World Cup năm 2026 và 2030 như lộ trình.

Sự trở về của Quang Hải không để lại nhiều ấn tượng bởi anh đã qua thời đỉnh cao phong độ.

2. Với thực trạng “bột” như hiện tại, HLV người Pháp đã làm mọi cách nhưng U22 Việt Nam không thể vô địch SEA Games 32 cũng là dễ hiểu. Ông Troussier vừa có hai trận ra mắt khán giả Việt Nam với đội tuyển quốc gia, trong thời gian FIFA Days. 58 cầu thủ cả đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam được triệu tập để chọn một đội hình chính. Đây là đợt gọi quân có ý nghĩa quan trọng, nhằm giúp ông Troussier có cái nhìn cận cảnh về chất lượng của hai đội tuyển. Cũng phải nói thêm, các đối thủ như Hong Kong, Syria trình độ chỉ ngang tầm. Đá với những đội bóng này khó thu hoạch được các thành quả quan trọng, cùng chiến thắng 1-0 chỉ giải quyết khâu tinh thần. Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải được gọi về. Chúng ta vẫn chưa thấy ở họ hình bóng ngày xưa. Một số cầu thủ trẻ được gọi lên khoác áo đội tuyển cũng chỉ ở dạng tiềm năng, không nổi bật.

Để giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup 2026, 2030, dứt khoát chúng ta phải trông chờ vào lớp trẻ, lứa U17 đến U20. Nhiệm vụ đó không thuộc về HLV Troussier, mà nằm ở các địa phương, những HLV trẻ như Hoàng Anh Tuấn. Hệ thống trẻ cần phải được quản trị, đào tạo tách bạch chứ không thể để ông Troussier phải “cáng đáng” luôn U22 Việt Nam. Để có được thành công rực rỡ như thế hệ Quang Hải, phải ghi nhận hạt nhân là Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ngay khi mới sang Việt Nam, ông Park đã xây dựng U22 Việt Nam dựa trên các nhân tố của “Gỗ” như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, bổ sung một số cầu thủ từ các lò đào tạo khác như Hà Nội FC, PVF, Sông Lam Nghệ An… Các tuyển thủ trẻ được nhiều năm cùng chơi bóng với nhau; được cọ xát, tập huấn nhiều giải quốc tế. Họ cũng nhanh chóng được trọng dụng ở cấp câu lạc bộ, tham gia giải chuyên nghiệp. Thật lo khi nhiều cầu thủ vô địch SEA Games 31, đá chính ở SEA Games 32 nhưng hiện lại ngồi dự bị trường kỳ ở câu lạc bộ.

“Có bột mới gột nên hồ”, thay vì quá đòi hỏi HLV Troussier thì bóng đá Việt Nam cần tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, thì mới hy vọng cụ thể hóa được những giấc mơ lớn.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.