Multimedia Đọc Báo in

Giải bóng đá vô địch quốc gia Night Wolf 2023: Nhìn từ hai đầu bảng xếp hạng

08:18, 04/08/2023

Giải bóng đá chuyên nghiệp (V.League) đang bước vào giai đoạn gay cấn nhất ở cả nhóm cạnh tranh vô địch lẫn trụ hạng. Dù kết quả chung cuộc ra sao nhưng có thể cảm nhận sự phát triển không như kỳ vọng sau 23 năm làm bóng đá chuyên nghiệp.

Ngay hàng, thẳng lối

Điều lệ mùa giải 2023 quy định, sau 13 vòng đấu các đội sẽ tách tốp. Giai đoạn 1 gồm 13 lượt trận, kết quả này sẽ chia 14 đội thành hai nhóm: 8 đội xếp trên vào nhóm A, 6 đội còn lại vào nhóm B. Điểm số các đội giữ nguyên khi bước vào giai đoạn 2. Nhóm A sẽ tranh chức vô địch, các đội thi đấu vòng tròn một lượt 7 vòng đấu, 4 đội đứng đầu giai đoạn một thi đấu 4 trận sân nhà, 4 đội còn lại thi đấu 3 trận sân nhà. Đội đứng nhất của giai đoạn 2 sẽ là nhà vô địch của giải, đội về nhì sẽ là á quân.

Nhóm B tranh suất trụ hạng sẽ có một suất xuống hạng. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt 5 vòng đấu. Các đội hạng 9 - 11 giai đoạn 1 thi đấu 3 trận sân nhà, 3 đội còn lại thi đấu 2 trận sân nhà. Đội xếp thứ 14 sẽ xuống hạng, thi đấu tại V.League 2 mùa giải 2023 - 2024.

Kết thúc giai đoạn 1, có 8 đội nhóm A bước vào cuộc chiến tranh ngôi vô địch gồm: Công An Hà Nội, Hà Nội FC, Đông Á Thanh Hóa, Viettel, Nam Định, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Định. Nhóm B trụ hạng gồm 6 gương mặt: Hoàng Anh Gia Lai, Khánh Hòa, SHB.Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, B.Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn từ nhóm cạnh tranh vô địch, không có gì bất ngờ khi sau 4 vòng đấu lượt về, Công An Hà Nội vẫn đang xếp ở vị trí đầu bảng với 31 điểm. Lần lượt đứng dưới là Hà Nội FC (31 điểm), Thanh Hóa (30 điểm) và Viettel (29 điểm).

Quang Hải và Công An Hà Nội đang tiến gần tới chức vô địch.

Đừng tiếp tục xây nhà… từ nóc

Việc Công An Hà Nội liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng đã được giới chuyên môn dự đoán. Công thức dẫn đến thành công của họ không có gì mới mẻ: “bơm” tiền thật nhiều, trải thảm đón các cầu thủ giỏi, thưởng lớn từng trận.

Đấy là lý do khiến các đội bóng kiểu “nhà nghèo vượt khó” như Thanh Hóa khó có thể đủ hơi lực để đua đường trường. Trong nhiều năm tới, khả năng vô địch cũng chỉ xoay quanh những đại gia đã điểm trên. Điều đó dẫn tới hàng loạt đội mất động lực, chỉ đá theo kiểu trụ hạng là thành công. Người ta đang đặt câu hỏi liệu Công An Hà Nội sẽ duy trì được phong độ như hiện tại được bao lâu, hay là đầu tư vô địch rồi lại ngãng ra như nhiều “đại gia” khác?

Bằng chứng, hãy nhìn vào hiện tại của nhóm trụ hạng, với hàng loạt tên tuổi lẫy lừng như Hoàng Anh Gia Lai, SHB.Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, B.Bình Dương đang lay lắt. Có ai nghĩ quá khứ chưa xa, họ từng được coi là điểm sáng của bóng đá chuyên nghiệp!

Sau 23 năm đi lên chuyên nghiệp, ngoài cuộc “đua tiền” vô tội vạ để đạt thành tích, một nỗi lo lớn là các đội không chú trọng xây dựng phần móng. Công tác đào tạo các thế hệ kế cận theo tiêu chuẩn tiên tiến, chất lượng không tồn tại ở nhiều câu lạc bộ. Thay vào đó, họ chỉ bung tiền để mua cầu thủ địa phương khác về. Từ đó dẫn đến việc đội bóng không còn có bản sắc. Sự tồn tại phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp tài trợ. Tiền ông chủ “bơm” ít lập tức tinh thần cùng thành tích rệu rã.

Các câu lạc bộ mới là chủ thể cuộc chơi giải chuyên nghiệp. Chỉ khi các đội bóng chú trọng làm tốt việc đào tạo trẻ, khai thác tích cực các giá trị thương mại, tương tác kéo khán giả ủng hộ đông đảo, chừng đó câu lạc bộ đó mới tồn tại lâu dài. Còn cố bung tiền để đạt thành tích trước mắt đánh bóng tên tuổi, chỉ là hư danh mà thôi.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc