Multimedia Đọc Báo in

Cái đầu trọng tài cũng cần “VAR”

08:49, 03/08/2023

Sau trận đấu đầu tiên có công nghệ VAR được vận hành chính thức ở vòng 3, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tiếp tục triển khai áp dụng tại trận đấu giữa Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội - CLB Hải Phòng thuộc vòng 4, giai đoạn 2 Giải Vô địch quốc gia Night Wolf 2023.

Giải Vô địch quốc gia Night Wolf 2023 đang bước vào chặng đường cuối của mùa giải với những cuộc đua tranh hấp dẫn và khó lường ở cả các CLB nhóm A và nhóm B. Thứ tự trên bảng xếp hạng có thể thay đổi theo từng vòng khi khoảng cách điểm số của các đội không có cách biệt quá lớn.

Mùa giải nào cũng vậy, khâu yếu kém nhất của giải chuyên nghiệp vẫn là công tác trọng tài. Đội ngũ “cầm cân nảy mực” hiện không nhận được niềm tin từ phía các đội bóng. Niềm tin không phải về chuyên môn mà là tư tưởng. Chính vì thế, Ban tổ chức giải đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thuê trọng tài ngoại về điều hành. Đấy là nỗi đau, bởi thực tế chất lượng trọng tài ngoại cũng không hơn; sự khác biệt là các đội bóng tin trọng tài ngoại hơn.

Trong bối cảnh đó, công nghệ VAR được đưa vào áp dụng để các đội bóng và trọng tài có thể dần bắt nhịp, quen với các quy định trong công tác điều hành của một trận đấu có VAR. Công nghệ VAR lần đầu xuất hiện chắc chắn chưa thể làm tất cả cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, đây là nỗ lực của ban tổ chức để nâng cao chất lượng của V.League. Dù chưa thật sự trơn tru trong lần vận hành đầu tiên, nhưng không thể phủ nhận VAR đã hạn chế được các tranh cãi và sai sót của trọng tài. Khi có VAR, các tình huống ảnh hưởng đến diễn biến trận đấu đều được can thiệp triệt để, mang lại sự an tâm cho người hâm mộ. Nhưng không có VAR, câu chuyện đã khác đi rất nhiều.

Sau nhiều năm tháng chuẩn bị thì công nghệ VAR đã được áp dụng vào sân cỏ Việt Nam. Ảnh: M.M

So sánh ba trận cùng một vòng đấu, cùng diễn ra trên một sân vận động dễ dàng thấy quyết định ứng dụng công nghệ VAR vào V.League của ban tổ chức là điều vô cùng đúng đắn. Đáng tiếc là hiện ở giai đoạn 2 của mùa giải này, VAR mới ở dạng thử nghiệm nên chỉ xuất hiện ở một số trận đấu nhất định, từ đó khiến nhiều trọng tài chính không có được sự trợ giúp hữu ích từ công nghệ này. Chừng nào VAR được áp dụng triệt để, chất lượng của V.League sẽ càng được nâng cao hơn, giải đấu quốc nội của Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế.

Để đưa VAR áp dụng vào V.League, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF đã chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất. Đặc biệt, đã có 18 trọng tài, trợ lý trọng tài vừa trải qua đợt đào tạo thứ 3 (từ ngày 8/6 đến 18/6), là khóa đào tạo bắt buộc cuối cùng dành cho trọng tài VAR. Đồng thời, chuyên gia của FIFA đã kiểm tra tất cả trang thiết bị vận hành của hai xe VAR. Đội ngũ này đánh giá các yếu tố về mặt kỹ thuật, công nghệ đều đáp ứng tiêu chuẩn.

Sẽ còn nhiều vấn đề trong quá trình vận hành VAR trong những trận đấu kế tiếp; thậm chí, tranh cãi vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, điều này đã được minh chứng ở các giải đấu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, đây là bước ngoặt mới của V.League. Sau nhiều tranh cãi, những quyết định sai không đáng có đến từ các trọng tài ở những mùa giải trước, sự góp mặt của VAR hy vọng sẽ khiến V.League đáng xem hơn.

Tuy nhiên, cũng cần một lần nữa phải lưu ý, công nghệ VAR không thể thay thế con người. Có nghĩa, tư tưởng các trọng tài đóng vai trò quyết định. Nếu đội ngũ “cầm cân nảy mực” chưa thực sự công bằng và có trách nhiệm thì VAR cũng không giải quyết được phần gốc. Ai giám sát đội ngũ điều hành công nghệ VAR, giám sát những cái đầu trọng tài, đấy là câu hỏi khó giải mã.

Cho nên cái đầu các trọng tài cũng cần phải có “VAR” kiểm tra là vậy!

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.