Kết thúc Giải vô địch quốc gia V-League 2023: Nghĩ từ chức vô địch của Công an Hà Nội
Năm 2003, Hoàng Anh Gia Lai đã lập kỳ tích vô địch giải chuyên nghiệp ngay sau khi thăng hạng. Đúng 20 năm sau, đến lượt Công An Hà Nội (CAHN) đã tái hiện chiến tích đó. Sự tỏa sáng của đội bóng Thủ đô nói lên điều gì?
Hai thập niên trước, bóng đá Gia Lai chưa có vị thế gì trên bản đồ bóng đá trong nước. Đấy là thời điểm đội bóng này do Sở Thể dục - Thể thao tỉnh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quản lý, kinh phí phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.
Rồi ông bầu Đoàn Nguyên Đức thực hiện tài trợ. Ông đưa bộ ba Thái Lan nổi tiếng là Kiatisak Senamuang, Chukiat Noosarung, Dusit Chalermsang về phố núi; đồng thời, trải thảm đón hàng loạt danh thủ nội như Phi Hùng, Sỹ Hùng, Hữu Đang, Mạnh Dũng, Phạm Minh Đức, Văn Hạnh, Quốc Vượng, Việt Thắng, Ngô Quang Trường, Lương Trung Tuấn…
Với đội hình “khủng” đó, lập tức bóng đá Gia Lai trở thành thế lực số 1 ở V-League. Họ liên tiếp vô địch hai mùa bóng 2003 và 2004. Nhưng từ đó đến nay, đội bóng của bầu Đức vẫn chưa tìm lại được vinh quang xưa.
Nhiều người đã đoán đúng rằng chức vô địch sẽ thuộc về Câu lạc bộ Công An Hà Nội. |
Ngay sau khi thăng hạng, CAHN đã chiêu mộ một loạt ngôi sao như Văn Đức, Văn Hậu, Văn Thanh, Bùi Tiến Dũng, Tô Văn Vũ… Sau đó tiếp tục bổ sung thủ môn Filip Nguyễn rồi Quang Hải vào đội ngũ. Có nghĩa, hơn nửa đội hình là tuyển thủ quốc gia và U23 quốc gia. Không chỉ mạnh về chuyên môn, CAHN được biết đến là đội bóng được đầu tư mạnh mẽ về vật chất. Rất nhiều nhà tài trợ đứng sau hậu thuẫn. Tất nhiên, có được điều đó vì cái tên CAHN đã mang tính biểu tượng, dù chỉ mới xuất hiện trở lại. Ngoài khán giả trẻ, đội bóng này còn có một lực lượng cổ động viên chung thủy, nhiều thế hệ từng có ký ức với đội CAHN xưa. Không những thế, lãnh đạo TP. Hà Nội, Bộ Công an cũng rất quan tâm đến mọi bước đi của đội bóng ngành trong 2 năm qua. Về mặt tổ chức, các tân vô địch V-League được được quản lý chặt chẽ, cầu thủ có tính chuyên nghiệp cao. Trong một môi trường chế độ lương thưởng hậu hĩnh, giàu khát khao vô địch, các cầu thủ CAHN yên tâm chơi bóng bằng cả đam mê.
Nhiều người đang lo ngại cho tương lai của CAHN. Hay nói cách khác, liệu khi sớm chạm vinh quang họ có còn duy trì động lực; thậm chí có tồn tại được lâu dài bởi trên thực tế đội bóng này từng bị giải thể?
Chưa thể nói trước điều gì nhưng từ những câu hỏi trên gợi mở một vấn đề cơ bản, bất cứ câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp nào ở ta cũng có thể gặp “nạn”, nhẹ hơn thì xuống hạng kiểu như SHB Đà Nẵng. Tức là, để chạm được vinh quang không quá khó, chỉ cần “đổ” tiền ra thật nhiều, mua cầu thủ giỏi và “bơm” tiền thưởng tối đa thì sẽ có cơ hội vô địch.
Những người yêu bóng đá ai cũng mong mỏi Việt Nam có nhiều câu lạc bộ tuổi thọ trên 50 năm. Họ vẫn được các doanh nghiệp đầu tư nhưng tên phải giữ nguyên. Hệ thống đào tạo trẻ được chú trọng. Đáng lo là quá ít câu lạc bộ có hệ thống các tuyến chất lượng. Họ chỉ được nhắc đến trong việc giỏi mua cầu thủ về phục vụ cho thành tích đội 1.
Nhìn xuyên suốt mùa giải, có thể thấy cán cân lệch hẳn về các đại diện thủ đô: CAHN, Viettel, Hà Nội FC. Có lẽ vài năm tới cuộc đua vô địch vẫn chỉ xoay quanh 3 câu lạc bộ này. Đội bóng quân đội rất giàu tiềm lực trong khi Hà Nội FC nổi tiếng về sự chịu chi của bầu Hiển.
Cuối cùng, chúng ta phải cùng thừa nhận rằng rất nhiều người đã đoán đúng CAHN sẽ vô địch, khi giải còn đến dăm vòng mới kết thúc. Điều đó cho thấy đội bóng ngành công an đáng gờm đến mức nào.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc