Lối đi nào cho bóng đá trẻ Đông Nam Á?
Giải vô địch U23 Đông Nam Á đã khai mạc. Rất nhiều đội đã đưa cầu thủ tuổi 17 - 20 đi cọ xát tích lũy kinh nghiệm. Nhưng, dường như chừng đó chưa đủ để nâng tầm bóng đá trẻ Đông Nam Á.
Thành tích quá khiêm tốn
Trong khu vực châu Á, bóng đá Đông Nam Á vẫn là “vùng trũng”, đặc biệt ở các tuyến trẻ. Kể từ khi vòng chung kết (VCK) U23 châu Á ra đời năm 2013, chỉ có ba đội bóng Đông Nam Á vượt qua được vòng bảng là Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Riêng U23 Việt Nam đạt thành tích tốt nhất khi đã giành ngôi Á quân VCK U23 châu Á năm 2018.
VCK U17 châu Á lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1985. Từ đó đến nay, tùy theo thời điểm, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức theo từng độ tuổi. Giai đoạn 1985 - 2000 là U16, từ 2002 - 2006 là U17, 2008 - 2020 trở về U16 và bắt đầu từ năm 2023 sẽ trở lại U17. Thái Lan 11 lần tham gia và đã từng vô địch vào năm 1998. Việt Nam tham dự 7 lần và thành tích tốt nhất là Á quân năm 2000. Malaysia 5 lần, thành tích tốt nhất lọt vào tứ kết năm 2014. Lào hai lần nhưng bị loại sớm.
Bước ra "biển lớn", tại VCK U20 FIFA World Cup 2023 và trước đó năm 2019, Đông Nam Á không có đại diện nào tham gia. Năm 2015, Myanmar đại diện và năm 2017 đến lượt Việt Nam là đội duy nhất khu vực tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dành cho lứa tuổi 20. Xa hơn, Indonesia có lần tham dự năm 1979, Malaysia năm 1997. Tất cả các đội Đông Nam Á đều không gây được bất ngờ, bị loại sớm.
Còn ở cấp độ U17, Thái Lan cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á từng góp mặt tại World Cup, vào các năm 1997 và 1999. Các cầu thủ trẻ của Thái Lan cũng nhận “cả rổ” bàn thua.
Trong năm 2023, ở tầm châu lục đã có hai giải trẻ diễn ra là VCK U20, VCK U17. Tại VCK U20 châu Á gồm 16 đội, đại diện Đông Nam Á gồm Việt Nam và Indonesia. Kết thúc vòng bảng cả hai cùng bị loại.
U23 Việt Nam đã đến địa điểm thi đấu. Ảnh: VFF |
Đi tìm nguyên nhân
Xét tổng quan, Đông Nam Á không phải là môi trường tốt để phát triển bóng đá. Công nghiệp bóng đá gia nhập khu vực này rất muộn. Hệ thống giải vô địch quốc gia - nhà nghề “sinh sau, đẻ muộn”, chất lượng thấp, không tạo được nguồn thu để tái cấu trúc nền bóng đá các quốc gia. Cả khu vực quá ít trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng.
Người Đông Nam Á (và châu Á nói chung) không có tố chất bóng đá tốt như các châu lục khác; thể lực, chiều cao hạn chế. Điều này thấy rất rõ khi bước ra các giải đấu cấp châu lục và thế giới, không thể đạt thành tích cao bởi chỉ có mỗi ý chí, quyết tâm trong khi đối thủ chưa chắc đã thua kém. Điều gì sẽ xảy ra nếu đội tuyển nữ chúng ta có chiều cao và sức khỏe ngang ngửa các đội dự World Cup 2023 vừa qua?
Chắc chắn bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ còn chậm phát triển nếu họ không có chính sách dinh dưỡng tốt cho các thế hệ. Hiện nay, chiều cao, thể lực cầu thủ hai nước này không thua kém các đội bóng châu Âu là bao.
Đấy cũng là những kiến giải cho câu hỏi vì sao bóng đá Đông Nam Á mãi kém phát triển? Dứt khoát, các đội tuyển phải hội tụ được các cầu thủ có thể trạng tốt nhất, được đào tạo bài bản từ nhỏ. Các cầu thủ trẻ luôn được tạo điều kiện cọ xát ở mọi cấp độ, nhất là được ra nước ngoài tập huấn, thi đấu. Từ đó, họ sẽ truyền bá tư duy, kinh nghiệm, cảm hứng chơi bóng cho các cầu thủ trong nước. Bóng đá Đông Nam Á có quá ít cầu thủ được gửi đi đào tạo dài hạn ở các nước tiên tiến; thi đấu ở các giải châu Âu, thậm chí châu Á càng quá ít.
Giải vô địch bóng đá U23 Đông Nam Á đã khai màn. Người ta không khó chỉ ra vài ba cái tên là ứng cử viên vô địch, còn lại chủ yếu “lót đường”. Đấy là nỗi buồn của bóng đá khu vực, khi bao nhiêu năm rồi trình độ các đội vẫn quá chênh lệch.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc