Multimedia Đọc Báo in

Nỗi buồn thể thao chuyên nghiệp

06:36, 20/08/2023

Dốc toàn lực để thi đấu, hướng đến mục tiêu đạt kết quả cao nhất là được thăng hạng, song mức thưởng mà các câu lạc bộ ở hai giải đấu hấp dẫn nhất là bóng chuyền và bóng đá được nhận quá "bèo bọt", không tương xứng với kinh phí, công sức đầu tư…

Ở môn bóng chuyền, chưa đề cập đến Giải vô địch quốc gia, mà chỉ nói đến Giải bóng chuyền hạng A thì đã có sức lôi cuốn, hấp dẫn đông đảo khán giả đến sân theo dõi các trận quyết đấu, tranh một suất thăng hạng. Thế nhưng đằng sau những trận chiến “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, sau những tấm huy chương và cúp vô địch hào nhoáng ấy thì chung cuộc đội chiến thắng nhận được vỏn vẹn 20 triệu đồng. Năm 2023, tại giải vừa diễn ra ở Đắk Lắk, chủ nhân của hai chiếc cúp vô địch, đội tuyển nam Vĩnh Long và nữ Hà Nội bước lên bục nhận giải mà không ai vui. Thật dễ hiểu, làm sao có thể vui được khi chỉ nhận được số tiền 20 triệu đồng tiền thưởng cho công sức chiến đấu của cả một mùa giải, chẳng bằng một phần của một giải bóng chuyền phong trào ở một hội làng. Được biết để tiến đến ngôi vô địch, hai đội bóng trên đã phải tham dự vòng loại tại Thái Nguyên, giành quyền vào vòng chung kết và  mỗi đội phải nộp lệ phí thi đấu là 5 triệu đồng/vòng đấu, tính cả chi phí đi lại, sinh hoạt mỗi đội bóng đã phải bỏ ra tiền tỷ để tham dự. Đó là chưa kể đến chi phí đào tạo, chi trả lương vận động viên, duy trì đội bóng trong cả năm thì con số phải lên đến vài tỷ đồng.

Các đội bóng tranh tài tại Giải bóng chuyền hạng A quốc gia 2023 tại Đắk Lắk.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao một giải đấu chuyên nghiệp, quy mô như thế mà lại có mức thưởng “bèo bọt”, không tương xứng thì được biết lâu nay, giải vẫn được vận hành theo cơ chế xin tài trợ và nhận nguồn kinh phí khen thưởng rót về từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không mặn mà tham gia tài trợ, còn Liên đoàn hoạt động bằng ngân sách thì lấy đâu ra nguồn kinh phí lớn để trao thưởng. Bởi thế lãnh đạo một đội bóng chuyền tâm sự chua chát nói rằng, khi bước vào cuộc chơi này, tất cả các đội bóng đều phải chấp nhận chịu thiệt, nếu không muốn nói là “lỗ to” để thăng hạng, chỉ với mục tiêu duy nhất là đáp lại kỳ vọng, mong mỏi của cổ động viên hâm mộ địa phương chứ chẳng trông chờ gì vào tiền thưởng.

Ở môn bóng đá, tại Giải hạng Nhì quốc gia 2023 vừa qua, hai đội bóng giành được hai tấm vé lên hạng Nhất là Đồng Tháp và Đồng Nai cũng chỉ được nhận thưởng 200 triệu đồng mỗi đội. Thoạt nhìn có vẻ giá trị hơn so với bóng chuyền, song với lệ phí mà mỗi đội bóng phải nộp là 120 triệu đồng/14 đội bóng dự giải thì số tiền thưởng trên cũng chẳng thể gọi là “động viên” vật chất. Thực tế mỗi đội phải chi vài tỷ đồng để đá tổng cộng 13 trận đấu trong toàn mùa giải.

Các đội bóng nam có thành tích cao tại Giải bóng chuyền hạng A quốc gia 2023 nhận thưởng mà không vui.

Tất nhiên, Ban tổ chức, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng trăn trở bởi mức thưởng trên rõ ràng là thấp so với mặt bằng bóng đá trong khu vực, song đó là điều các đội bóng phải chấp nhận bởi lệ phí 120 triệu đồng mà mỗi đội đóng góp chỉ đủ chi cho nhiều khoản từ công tác tổ chức, sân bãi, giám sát, trọng tài, truyền thông… trong suốt mùa giải. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng không có nguồn thu từ bán vé (tất cả các trận đấu tại Giải hạng Nhì quốc gia đều mở cửa tự do) trong khi các nhà doanh nghiệp chưa mặn mà tài trợ cho giải đấu quan trọng, mang tính chất “bệ phóng”, cánh cửa mà tất cả các đội bóng phải vượt qua để tiến lên chuyên nghiệp (Giải hạng Nhất quốc gia).

Mức thưởng, giá trị tiền thưởng của một giải đấu luôn là “thước đo” đánh giá uy tín, chất lượng, sức hút, sự quan tâm của khán giả, dư luận. Bởi thế rồi đây, Ban tổ chức và điều hành hai giải đấu phải tính toán, xây dựng phương án để thu hút thêm các nguồn lực tài chính bên cạnh nguồn thu lệ phí để giải quyết câu chuyện bất hợp lý, cải thiện mức thưởng để khích lệ, động viên cầu thủ hai giải đấu, đó cũng là cách nâng tầm uy tín giải.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.