Multimedia Đọc Báo in

Bóng chuyền Việt Nam vươn ra biển lớn

08:58, 17/09/2023

Khi mà mọi sự quan tâm đều dành cho môn "thể thao vua" với việc Huấn luyện viên (HLV) Troussier cùng các học trò tham dự vòng loại giải U23 châu Á 2024 thì có một môn thể thao khác lặng thầm làm nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam, đó là bóng chuyền.

Tại Giải vô địch bóng chuyền châu Á vừa diễn ra tại Thái Lan, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã lập kỳ tích vào top 4 đội mạnh nhất.

Không quá cường điệu khi nói các học trò của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt tạo nên một “cơn địa chấn” tại giải đấu quy tụ các đội tuyển mạnh nhất châu lục, với những cuộc lội ngược dòng không tưởng trước tuyển Hàn Quốc, đánh bại đội tuyển Australia và gây nhiều khó khăn cho đội bóng đang xếp hạng 8 thế giới Nhật Bản trong trận tranh ba - tư ở một thế trận giằng co, kéo dài đến 5 séc đấu.

Đội bóng của chủ công Trần Thị Thanh Thúy để lại nhiều tiếc nuối, bởi nếu vượt qua Nhật Bản thì Việt Nam giành quyền tham dự Giải bóng chuyền vô địch thế giới năm 2025. Tuy vậy, vị trí thứ tư cũng đã là một phần thưởng xứng đáng cho tinh thần chiến đấu đầy quả cảm, nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ của các cô gái Việt Nam.

Các cô gái thi đấu tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2020 được tổ chức tại Đắk Lắk.

Có thể nói, bóng chuyền nữ Việt Nam là một trong những môn tiên phong trong việc tìm kiếm, huy động nguồn xã hội hóa đầu tư để duy trì hoạt động cũng như tự tạo sân chơi quốc tế nâng cao trình độ chuyên môn. Có thể thấy, đa số các đội bóng đang chơi tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia thường gắn liền với một thương hiệu, một doanh nghiệp tài trợ. Những cái tên như Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang, Ngân hàng Công Thương, Xổ số kiến thiết Vĩnh Long đã quá quen thuộc với khán giả hâm mộ.

Bóng chuyền Việt Nam cũng chủ động tạo nên những sân chơi đẳng cấp cho mình, giúp vận động viên có cơ hội tiếp cận, thi đấu với các đội bóng mạnh của những quốc gia có môn bóng chuyền phát triển. Chắc hẳn khán giả vẫn còn nhớ không khí tranh tài sôi động, hấp dẫn liên tục trong 3 năm (2009 - 2011) diễn ra giải đấu mà Đắk Lắk giành quyền đăng cai với sự tham dự của các đội bóng mạnh đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Úc và Ukraina… đã giúp bóng chuyền nữ Việt Nam duy trì tính ổn định, phát triển, từng bước đủ khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cũng từ các giải đấu, những thế hệ tài năng ra đời, kế thừa, thay thế các đàn chị đảm nhận trọng trách tìm kiếm, mang vinh quang về cho đất nước. Đơn cử như khi Thu Dậu giải nghệ thì đã có chủ công Thanh Thúy, hoặc phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa ngừng thi đấu thì đàn em Nguyễn Thị Trinh đủ sức thay thế; khi libero Kim Liên rời sàn đấu thì Khánh Đang làm tròn nhiệm vụ… Những cầu thủ này đều đang ở trong thời kỳ đỉnh cao, “độ chín” của sự nghiệp, là “quả ngọt” của bóng chuyền Việt Nam sau hàng chục năm được đào tạo, đầu tư.

Tuyển thủ quốc gia, phụ công Nguyễn Thị Trinh (giữa) thi đấu cho tuyển bóng chuyển nữ Đắk Lắk, mùa giải 2020.

Giờ đây, người hâm mộ đang chờ đợi đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo nên một cột mốc mới tại ASIAD 19 diễn ra ở Trung Quốc vào cuối tháng 9, nơi mà thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ tái ngộ Hàn Quốc và đương đầu với đội Nepal ở bảng C. Nếu làm được điều đó, bóng chuyền Việt Nam thêm một lần nữa minh chứng rằng sẽ không có gì là không thể nếu biết cách khai thác tiềm năng, bồi đắp ngọn lửa đam mê và xứng đáng nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.