Multimedia Đọc Báo in

Từ Hàng Châu đến Olympic Paris

09:19, 24/09/2023

Tại Hàng Châu, mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) không chỉ là những tấm huy chương mà nhiệm vụ của các vận động viên còn là giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Đoàn TTVN được giao chỉ tiêu từ 2 - 5 Huy chương Vàng (HCV) tại ASIAD ở nhóm môn cầu mây, karate, bắn súng, boxing, cờ tướng. Trong số 337 vận động viên có nhiều tuyển thủ sẽ hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Olympic Paris 2024 ngay trong các cuộc thi đấu ở Đại hội Thể thao châu Á. Đó là nhiệm vụ "kép" mà lãnh đạo ngành thể thao đặt ra với các tuyển thủ, đặc biệt là nhóm vận động viên đầu tư trọng điểm với sự liên thông về nội dung thi đấu ở ASIAD lẫn Olympic.

So với các kỳ ASIAD trước, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã xác nhận sẽ trao 74 suất dự Olympic ở 9 môn thi đấu tại Hàng Châu, gồm các nội dung: bắn cung (6 suất), bơi nghệ thuật (10), quyền Anh (34), breaking (2), hockey (2), pentathlon (10), sailing (6), quần vợt (2), bóng nước (2). Trong đó, vé tham dự Olympic được trao cho vận động viên đứng đầu tại ASIAD và nội dung đó có trong chương trình thi đấu của Olympic 2024.

Ngoài ra, theo quy định chung của IOC, kết quả thi đấu ở các môn tính thành tích bằng thông số cụ thể như điền kinh và bơi, nếu vận động viên đạt chuẩn Olympic trong cuộc thi đấu ở ASIAD cũng sẽ được công nhận giành vé dự Thế vận hội.

Xét về năng lực chuyên môn, đây chính là các tấm vé mà TTVN có thể đem về từ ASIAD bởi mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn so với các cuộc thi đấu đối kháng và chỉ dành cho vận động viên giành được HCV.

Nguyễn Thị Oanh là niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam tại ASIAD 19.

Ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn TTVN cho biết: Một số vận động viên của đoàn TTVN đã được chuẩn bị rất kỹ cho mục tiêu giành vé dự Olympic cùng với đoạt huy chương ở ASIAD. Chúng ta có những vận động viên nằm trong nhóm đầu ở châu lục nhưng khả năng tranh chấp là 50 - 50 hoặc thấp hơn một chút. Quan trọng nhất vẫn là sự ứng biến linh hoạt, ổn định tâm lý trong thi đấu, nếu thêm chút may mắn thì hoàn toàn có thể gây bất ngờ.

Trước khi đến Hàng Châu, TTVN mới chỉ có 2 vé tham dự Olympic 2024 của cua-rơ Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và xạ thủ Trịnh Thu Vinh (bắn súng).

Đánh giá tổng quan thực lực, đoàn TTVN có rất ít hy vọng tranh chấp trong số 74 tấm vé ở 9 môn thể thao nêu trên khi chỉ có một số ít vận động viên đạt trình độ châu lục ở môn bắn cung và quyền Anh. Trong số này, Nguyễn Thị Tâm được kỳ vọng hơn cả với ngôi Á quân thế giới và 2 tấm HCV châu Á ở hạng 50 kg. Vấn đề là, việc Tâm mới trở lại sau chấn thương đứt dây chằng chéo gối trái đã làm giảm đi đáng kể cơ hội tranh chấp HCV ở ASIAD 19.

Hy vọng giành vé dự Olympic 2024 của TTVN lúc này được cảm nhận rõ nhất ở môn điền kinh và bơi khi đang có những tuyển thủ sở hữu thành tích tiệm cận với chuẩn A hoặc chuẩn B. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sau khi không thành công trong việc giành vé dự Olympic 2024 từ SEA Games 32, đến nay là thời điểm cần nỗ lực để có thể đạt chuẩn A (15:00.99) ở nội dung sở trường 1.500 m tự do nam. Hay đối với Nguyễn Thị Huyền, thành tích giành HCV nội dung 400 m rào nữ 56 giây 29 tại SEA Games 32 được coi là le lói cơ hội so với chuẩn A Olympic 54 giây 85.

Dù vậy, để có được tấm vé dự Olympic 2024 ở môn bơi hoặc điền kinh với TTVN trong cuộc thi đấu ở ASIAD là cực kỳ khó khăn. Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Huy Hoàng, từ năm 2019 tới nay kình ngư người Quảng Bình chưa từng tái lập hoặc vượt qua được thành tích 14 phút 58 giây 14 từng đưa anh tới Olympic Tokyo. Hoặc chỉ kém hơn 1 giây so với chuẩn A nội dung 400 m rào nữ, song Nguyễn Thị Huyền cũng có rất ít hy vọng khi đã chạm ngưỡng đỉnh cao nhất về thành tích.

Vậy nên, để có thể hoàn thành chỉ tiêu "kép", đòi hỏi các tuyển thủ của đoàn TTVN phải nỗ lực rất lớn và vượt qua được giới hạn của bản thân trong các cuộc thi đấu tại ASIAD 19.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.