Nghĩ từ Hội thảo bóng đá trẻ châu Á
Tuần qua có một sự kiện nổi bật của bóng đá châu Á: Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã tiến hành hội thảo về bóng đá trẻ châu lục tại Malaysia. Rõ ràng, tìm hướng đi đúng đắn cho bóng đá trẻ các nước đang rất được AFC quan tâm.
Từ chia sẻ của Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn
Đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có Huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn nhiều năm qua được cử làm HLV các tuyến trẻ như U17, 19, 23, Olympic quốc gia. Bằng những nỗ lực của mình, vị HLV người Nha Trang đã đào tạo nên rất nhiều học trò giỏi, đã và đang là trụ cột ở các đội tuyển quốc gia. Tất nhiên, thành công đó phải được trải nghiệm của thời gian, thậm chí nhiều lần thất bại.
Từ Malaysia, ông Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Tôi rất vinh dự có mặt tại hội thảo. Sự kiện quy tụ nhiều HLV, giám đốc kỹ thuật, quan chức bóng đá... nổi tiếng châu Á. Rất nhiều chủ đề, tham luận được trình bày như: Những yếu tố phát triển bóng đá trẻ; tài năng và tập luyện - liên quan như thế nào? Kết quả của đội tuyển quốc gia là hệ quả của đào tạo trẻ? Những trở ngại trong tiến trình phát triển bóng đá trẻ? Tầm quan trọng của bóng đá cộng đồng và bóng đá học đường với nền bóng đá; thực trạng các giải trẻ diễn ra quá ngắn; số trận đấu ít, tổ chức sơ sài, thiếu cạnh tranh - đi tìm giải pháp....”.
Đội tuyển Olympic Việt Nam (áo trắng) sớm bị loại tại ASIAD 19 Hàng Châu. |
Ông Tuấn đánh giá rằng, nói chung những băn khoăn trên không mới. Vấn đề là các nước có giải pháp thế nào để đưa bóng đá trẻ quốc gia mình phát triển đúng tiêu chuẩn AFC và FIFA? Làm sao san lấp khoảng cách trình độ giữa bóng đá Đông Nam Á và phần còn lại của châu lục?
“Tôi nghĩ bóng đá trẻ Đông Nam Á ngoài nỗ lực tự thân, không ngừng đầu tư, học tập, kiên nhẫn, còn cần sự chung tay của các nền bóng đá mạnh trong khu vực. Còn mọi người nghĩ thế nào?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Cần hội nhập sâu rộng
Những vấn đề hội thảo cũng như ông Tuấn đặt ra rất hay, nói lên tất cả những rào cản của bóng đá trẻ châu Á. Chính xác hơn, đấy là câu chuyện của bóng đá Đông Nam Á. Từ nhiều năm qua, khâu đào tạo trẻ không được chú trọng. Bệnh thành tích đã kìm hãm nhiều đến quy trình đào tạo trẻ. Hầu hết liên đoàn các nước có nền kinh tế yếu kém đều ưu tiên cho đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia. Ngay cả bóng đá nữ cũng ít được quan tâm.
Cũng phải thừa nhận, khi nền kinh tế quốc gia vững mạnh sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển bóng đá. Làm bóng đá trẻ càng cần phải có nhiều tiền để xây dựng học viện, tập huấn nước ngoài, thuê HLV, giám đốc kỹ thuật giỏi. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được điều đó từ hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, Singapore là cường quốc kinh tế nhưng bóng đá của họ vẫn đì đẹt. Trong khi đó rất nhiều quốc gia châu Phi vẫn có nền bóng đá rất mạnh. Đấy là nghịch lý chứng minh tiền chưa phải là tất cả.
Dù bất cứ biện giải nào cũng phải đi đến điểm chung: Một nền bóng đá yếu phần đào tạo trẻ không thể có đội tuyển mạnh, nền bóng đá đó sớm muộn sẽ lụi tàn.
Không còn cách nào khác, các quốc gia cần phải tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, khâu tổ chức các giải đấu để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển. Mặt khác, cần sự hợp tác toàn diện hơn với các nền bóng đá vượt trội trong khu vực để được giúp đỡ, chuyển giao công nghệ đào tạo.
Trong vài năm gần đây, bóng đá trẻ Việt Nam đã được hưởng lợi lớn nhờ mối quan hệ rất tốt của VFF với các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, công tác đào tạo trẻ ở các địa phương đang có dấu hiệu ngưng trệ. Đấy là nỗi lo mà VFF cần phải cùng các câu lạc bộ tháo gỡ.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc