Multimedia Đọc Báo in

Mong có "mắt thần" cho sân chơi bóng chuyền

08:50, 19/11/2023

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia những năm qua luôn xảy ra những tình huống tranh cãi, phản ứng quyết liệt của các đội bóng với quyết định của trọng tài ở một số tình huống trên sân.

Để hạn chế tối đa hình ảnh không đẹp đó, nâng tầm sân chơi chuyên nghiệp, có lẽ đã đến lúc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cần tính đến phương án đầu tư, trang bị hệ thống Video Challenge Eyes (Video hỗ trợ trọng tài) phục vụ giải đấu.

Mới đây, làng bóng chuyền nước nhà lại "dậy sóng" bởi quyết định của trọng tài với pha bóng của chủ công Bích Tuyền đội Ninh Bình LienViet PostBank trong trận gặp Bộ Tư lệnh Thông tin. Theo đó dù bóng chạm hàng chắn đối phương ra ngoài, song trọng tài lại quyết định cho điểm Bộ Tư lệnh Thông tin. Tất nhiên Bích Tuyền cùng các đồng đội phản ứng quyết liệt, sau một hồi tranh cãi khá lâu, trọng tài thay đổi quyết định, không tính điểm cho đội bóng áo lính và cho Ninh Bình LienViet PostBank phát bóng lại.

Trọng tài làm nhiệm vụ tại Giải vô địch bóng chuyền trẻ quốc gia diễn ra tại Đắk Lắk.

Không riêng gì Giải bóng chuyền vô địch quốc gia, ở giải bóng chuyền trẻ quốc gia và hạng A quốc gia được tổ chức ở Đắk Lắk, khán giả cũng từng chứng kiến những tình huống phản ứng gay gắt của các đội bóng bởi không "tâm phục khẩu phục" quyết định của những người “cầm cân nảy mực” trận đấu.

Thực tế, các quyết định của trọng tài tác động rất lớn đến tâm lý, làm giảm tinh thần thi đấu của các cầu thủ cũng như ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc, số phận của một đội bóng. Minh chứng là sau pha bóng của Bích Tuyền ở tình huống trên, từ chỗ đang nắm cơ hội san bằng điểm số 20 - 20, Ninh Bình LienViet PostBank đã không thể lật ngược tình thế, để thua đối phương chung cuộc 3 - 1.

Ở môn bóng chuyền, tốc độ các pha bóng thường diễn biến rất nhanh, nên dù có sự hỗ trợ của trọng tài biên nhưng trong nhiều trường hợp, trọng tài chính vẫn không thể theo kịp tình huống nên có thể đưa ra những quyết định không chính xác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghi ngờ rằng một số trọng tài bóng chuyền điều khiển trận đấu không công bằng, thiếu công tâm, thiên vị...

Chính vì vậy để nâng tầm sân chơi, giúp cuộc chơi diễn ra sòng phẳng, khách quan, tạo tâm lý thoái mái cho các đội bóng, giải pháp tối ưu là đầu tư, sử dụng “mắt thần”, hệ công nghệ Video Challenge Eyes xem lại tình huống bằng hình ảnh quay chậm áp dụng vào giải đấu. Tương tự bóng đá, những ưu việt mà công nghệ Video Challenge Eyes đem lại cho bóng chuyền là không thể bàn cãi. Nếu theo dõi các giải bóng chuyền vô địch châu Á mà thời gian gần đây đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu rất thành công mới thấy công cụ hỗ trợ này đã làm rất tốt vai trò hỗ trợ, “giám sát” trọng tài.

Tốc độ các pha dứt điểm môn bóng chuyền tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia cực nhanh khiến trọng tài nhiều khi không theo kịp diễn biến.

Tất nhiên để tạo nên bước đột phá này cho bóng chuyền nước nhà, thì trước mắt Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ cần “giải” bài toán về kinh phí, đầu tư trang thiết bị lắp đặt công nghệ.

Theo tìm hiểu, so với bóng đá thì công nghệ Video Challenge Eyes trong bóng chuyền rẻ hơn nhiều, mức giá khoảng hơn 1 tỷ đồng, nếu so với một giải bóng chuyền vô địch quốc gia uy tín thì rất đáng để đầu tư. Hơn nữa ông chủ các đội bóng chuyền hiện nay vốn là những doanh nghiệp lớn, việc kêu gọi xã hội hoá, lắp đặt công nghệ này phục vụ lâu dài cho chính đội bóng của họ là không quá khó. Về phía các vận động viên, nhà cầm quân, họ hết sức ủng hộ, hoan nghênh công nghệ hiện đại này.

Huấn luyện viên Trần Đăng Thành có thời gian dẫn dắt tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk từng chia sẻ thẳng thắn rằng, để cuộc chơi diễn ra một cách vô tư, vận động viên không rơi vào tâm lý nặng nề, cổ động viên không phải căng thẳng, bức xúc vì những quyết định của trọng tài thì Video Challenge Eyes là giải pháp, lựa chọn hàng đầu và cần sớm đưa vào các giải đấu trong thời gian sớm nhất.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc