Multimedia Đọc Báo in

Cùng chạy với tuổi trẻ

07:13, 05/03/2024

Giải Việt dã truyền thống lần thứ 41 do Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp tổ chức vừa diễn ra ngày 3/3 đã tạo không khí sôi động, hướng tới kỷ niệm nhiều dấu mốc quan trọng trong tháng như: Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao 27/3...

Năm nay, giải thu hút hơn 460 vận động viên đến từ 10 huyện, thị xã và Khối các cơ quan, trường học tranh tài ở 7 nội dung: nữ phong trào, nữ trẻ (2 km); nữ chính (3 km); nam phong trào, nam trẻ, nam thiếu niên (4 km) và nam chính (5 km).

Chuẩn bị cho giải đấu có tính chất cọ xát, đánh giá phong trào tập luyện thể dục thể thao trong đoàn viên thanh niên, các huyện, thị xã, trường học, đơn vị tham dự tổ chức tốt khâu tuyển chọn vận động viên, tùy vào sở trường, bố trí ở những nội dung phù hợp giúp vận động viên phát huy tối đa năng lực, đạt kết quả cao nhất. Những địa phương vốn có thế mạnh ở bộ môn này như huyện Ea H’leo, Krông Bông, Krông Năng đầu tư chiến lược cho những nội dung chính - trẻ - thiếu niên nên không chạy theo số lượng, chỉ cử vận động viên tranh tài giới hạn, song vẫn đảm bảo đạt thành tích cao nhất.

Các vận động viên xuất phát ở nội dung nam trẻ.

Đơn cử như huyện Ea H’leo chỉ cử 12 vận động viên thi đấu nội dung nữ chính, nam chính; mỗi nội dung nữ trẻ, nam trẻ cũng chỉ cử 9 vận động viên. Sự tự tin này là hoàn toàn có cơ sở khi Ea H'leo sở hữu trong đội hình những tài năng trẻ, trong đó có vận động viên đang tập luyện tại đội điền kinh năng khiếu của tỉnh là Hoàng Minh Phương.

 

Kết quả chung cuộc, huyện Krông Bông xếp thứ Nhất toàn đoàn nội dung chính - trẻ - thiếu niên; thị xã Buôn Hồ và huyện Ea H’leo lần lượt xếp thứ Nhì và Ba. Ở nội dung phong trào, Câu lạc bộ runner Buôn Ma Thuột đoạt giải Nhất toàn đoàn; Trường Đại học Tây Nguyên xếp thứ Nhì và Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh xếp thứ Ba. Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 7 bộ huy chương ở các nội dung cá nhân khác.

Trong khi đó, ở nội dung phong trào, đúng với tên gọi của nó, các đơn vị tham dự huy động một lực lượng vận động viên đông nhất có thể, song không vì vậy mà bỏ qua tiêu chí chất lượng. Cụ thể như Trường Đại học Luật Hà Nội - phân hiệu Đắk Lắk cử 10 vận động viên tham gia nội dung nam phong trào. Thầy Tô Viết Vinh cho biết, thông qua việc tổ chức giải việt dã truyền thống hằng năm, trường chọn lực lượng tốt nhất để “so kè” cùng các đối thủ, hướng đến mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch toàn đoàn đoạt được năm trước.

Đến từ ngôi trường có phong trào thể thao sôi nổi - Trường Đại học Tây Nguyên, thầy Phạm Trọng Lượng trực tiếp “cầm quân”, đưa 18 vận động viên đi tranh tài khẳng định việc bên cạnh mục tiêu giao lưu học hỏi, theo đúng tinh thần thể thao thì tham vọng của nhà trường là góp mặt ở tốp 3 toàn đoàn, dù biết rằng mục tiêu đó là khó khăn khi phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh như Đại học Luật Hà Nội - phân hiệu Đắk Lắk, Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự xuất hiện của các thành viên trong Câu lạc bộ runner Buôn Ma Thuột.

Trong ngày cuộc đua diễn ra, ngay từ sáng sớm, không khí tại Quảng trường 10/3, TP. Buôn Ma Thuột đã “nóng” lên khi các đội tập trung để khởi động. Sự hứng khởi, quyết tâm hiện rõ trên từng gương mặt vận động viên, tất cả đều sẵn sàng vào cuộc, tranh tài ở nội dung mình thi đấu. “Đây là lần thứ ba tham gia nên em không còn cảm giác hồi hộp như những lần trước nữa. Suốt một năm qua em đều đặn duy trì chạy bộ, cải thiện thể lực nên khá tự tin để cùng các đồng đội nỗ lực hết mình, giành điểm số cao về cho nhà trường”, em Đoàn Văn Trường, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ.

Các vận động viên xuất phát nội dung nữ phong trào.

Khi tiếng còi xuất phát của trọng tài cất lên ở từng nội dung, khán giả hào hứng chứng kiến màn bứt tốc của các vận động viên. Nội dung nam chính diễn ra khá hấp dẫn, kịch tính, khi có đến 55 vận động viên của 10 huyện tham gia, nhưng nổi trội là cuộc đua “tam mã” giữa ba vận động viên Lý Văn Thiểu (Buôn Hồ), Lý Văn Thu (Ea Kar) và Chu Văn Lợi (Krông Năng). Ngay khi khép lại vòng thứ nhất, khi còn 1 km nữa là về đích, các vận động viên này đã tách tốp, liên tục đeo bám, so kè quyết liệt với nhau để cùng cán đích với thời gian suýt soát, chênh lệch nhau chỉ 5 – 10 giây.

Riêng ở nội dung phong trào, trong lần đầu tham dự, Câu lạc bộ runner Buôn Ma Thuột đã khẳng định sức mạnh vượt trội khi cả ba vận động viên Nguyễn Thị Tố Anh, Trần Thị Kim Anh và Thái Thị Mỹ lần lượt xếp ba vị trí dẫn đầu. Ngoài ra, câu lạc bộ còn có 5 vận động viên về đích từ thứ 5 – 9, đã giúp đội đoạt giải Nhất toàn đoàn nội dung này.

Chứng kiến không khí tranh tài sôi nổi, hào hứng của các vận động viên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Y Lê Pas Tơr vui mừng khẳng định: “Qua 41 lần phối hợp tổ chức, giải việt dã truyền thống tỉnh đã góp phần quan trọng lan tỏa tinh thần thể thao, động viên đoàn viên thanh niên tích cực tập luyện thể thao. Đó cũng là một hình thức cụ thể, thiết thực mà Tỉnh Đoàn tiếp tục duy trì tổ chức, để phong trào “Đồng hành với thanh niên trong nâng cao thể chất và tinh thần, tăng cường công tác đoàn kết và tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn - Hội vững mạnh tại cơ sở” ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.