Đạo đức cầu thủ - đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Thời gian qua, các câu lạc bộ (CLB) và trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đã có nhiều nỗ lực trong việc rèn giũa cầu thủ “vừa hồng, vừa chuyên”. Tuy nhiên, việc “trồng người” cần cả hệ thống vào cuộc một cách bền bỉ, từ sớm.
Tuổi thọ nghề nghiệp của cầu thủ Việt Nam rất thấp, ngoài tố chất thể trạng hạn chế còn có nguyên nhân từ việc không chuyên nghiệp trong tập luyện, sinh hoạt, dẫn đến nền tảng thể lực không đảm bảo. Khó có thể đếm được bao nhiêu tài năng trẻ bị “chột”, nhiều ngôi sao bóng đá phải giải nghệ sớm, thậm chí vướng vòng lao lý vì dính vào tệ nạn xã hội.
Làng bóng đá trong nước vừa rúng động khi 5 cầu thủ thuộc biên chế CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị cơ quan công an tạm giữ vì liên quan tới ma túy. Trong số này có tiền vệ Đinh Thanh Trung - đội trưởng, cựu Quả bóng Vàng Việt Nam và hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng - một trong những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng, từng khoác áo U23 Việt Nam dự giải châu Á.
Liên quan tới CLB Quảng Nam, hồi giữa mùa giải, đội bóng này cũng trở thành tâm điểm khi đẩy tiền đạo Nguyễn Đình Bắc xuống đội trẻ vì lý do vi phạm kỷ luật. Thời điểm đó, Đình Bắc đang nổi như cồn với những màn trình diễn xuất sắc trong màu áo U23 Việt Nam lẫn đội tuyển Việt Nam, là lựa chọn ưu tiên của Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, cầu thủ cũng vậy. Chỉ khi môi trường tập luyện, sinh hoạt, thi đấu bị vẩn đục thì mới nảy sinh các tính cách xấu. Bệnh thành tích cùng các dạng thức tiêu cực trong môi trường bóng đá nội đã làm cầu thủ khó giữ mình. Nhiều cầu thủ giàu lên bất ngờ vì giá trị chuyển nhượng ngất ngưởng, sinh ra chỉ lo hưởng thụ mà sự cống hiến không tương xứng. Ở cấp CLB, đào tạo trẻ chỉ nặng phần dạy bóng đá, không chú trọng dạy văn hóa và làm người. Ở giải bóng đá chuyên nghiệp thì bạo lực sân cỏ luôn gây nhức nhối.
Cầu thủ và cả trọng tài cũng cần phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. |
Ngay cả môi trường các đội tuyển quốc gia vốn cần “xanh - sạch - đẹp” cũng không như mong muốn. Rất nhiều cầu thủ đã bán độ để đạt những mục đích nhỏ nhoi. Nhiều pha phạm lỗi thô bạo để lại hình ảnh không đẹp ở các giải quốc tế cũng như gây thiệt hại cho thành tích đội tuyển. Hai tấm thẻ đỏ của Tiến Long và Minh Khoa mới đây, trong trận quyết đấu với đội tuyển Iraq tại Asian Cup để lại quá nhiều tiếc nuối. Nếu Tiến Long không bị đuổi khỏi sân phút 21, chưa chắc U23 Việt Nam đã bị loại dễ dàng như thế.
Giới chuyên gia nhận định chung, cần phải chung tay xây dựng một nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp thì mới có thể sánh vai được với các cường quốc. Ở đó, những tiêu chuẩn chuyên nghiệp được đặt ra hết sức khắt khe, đồng bộ, từ cấp câu lạc bộ - hệ thống giải chuyên nghiệp lẫn môi trường các đội tuyển quốc gia. Trong đó, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cầu thủ không được phép buông lỏng ngay từ các tuyến trẻ. Điều lệ, quy chế, quy định kỷ luật các cấp phải được thực thi một cách nghiêm minh, công bằng. Cũng có ý kiến cho rằng việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lâu nay giảm nhẹ án cho nhiều trường hợp vi phạm đã không đủ sức răn đe...
Ngay từ năm 2012, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ban hành bộ quy tắc Đạo đức nghề nghiệp dành cho cầu thủ, HLV, trọng tài. Dù vậy, để những quy tắc đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả xem ra vẫn cần một thời gian rất dài.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc