Multimedia Đọc Báo in

Bóng đá Việt Nam cần xây dựng từ gốc

05:30, 29/09/2024

Những biến chuyển gần đây của đội tuyển bóng đá Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu về sự “đứt gãy” lực lượng. Những thất bại không chỉ là “cú vấp”, mà còn là dấu hiệu rõ ràng cho một giai đoạn chững lại của bóng đá nước nhà.

Các cầu thủ trụ cột của đội tuyển đang dần chạm ngưỡng về chuyên môn, thiếu đi khát khao cống hiến; trong khi đó, lứa cầu thủ trẻ chưa đủ chất lượng và kinh nghiệm, luôn phải chịu áp lực lớn khi bị so sánh với thế hệ đàn anh. Vấn đề không chỉ nằm ở đào tạo trẻ vốn đã gặp khó khăn, mà còn bởi cầu thủ trẻ ít có cơ hội thi đấu và cọ xát thực tế. Các giải trẻ trong nước tổ chức mỗi năm còn quá ít và thiếu các trận đấu quốc tế, khiến cầu thủ khó phát triển kỹ năng toàn diện. Ở cấp câu lạc bộ, việc thiếu cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ càng làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.

Thành công của bóng đá trẻ Việt Nam tại các giải châu lục trong những năm gần đây là đáng ghi nhận, nhưng vấn đề lớn đặt ra là liệu những cầu thủ này có được trao cơ hội thi đấu thường xuyên ở V.League hay giải hạng Nhất? Tranh cãi về số lượng ngoại binh chiếm suất của nội binh cũng trở thành vấn đề “nóng” khiến nhiều người đề xuất giảm số lượng ngoại binh hay tổ chức giải đấu song song dành cho U23. Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, chính ngoại binh cũng là động lực buộc cầu thủ trẻ phải cố gắng nhiều hơn để cạnh tranh. Quan trọng hơn, cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ còn phụ thuộc vào triết lý, thành tích của câu lạc bộ và quan điểm của mỗi huấn luyện viên.

Đội tuyển U20 Việt Nam đang hướng đến tấm vé dự Vòng chung kết U20 châu Á 2025.

Để ổn định thành tích đội tuyển quốc gia, yếu tố cốt lõi là phát triển hệ thống đào tạo trẻ một cách bài bản, quy mô và chuyên nghiệp hơn. Những mô hình đào tạo từ các học viện, địa phương cần được mở rộng và phát triển sâu hơn. Cùng với đó, bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng cũng phải được chú trọng, trở thành hệ thống “chân rết” hỗ trợ cho các học viện bóng đá. Tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình bóng đá học đường đang được triển khai trên quy mô lớn và mang lại những tín hiệu tích cực. Đây là hướng đi đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, nơi rất nhiều tài năng xuất thân từ bóng đá học đường.

Về tư duy huấn luyện, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về đào tạo cầu thủ. Để sản sinh ra những tài năng hoàn thiện, bóng đá Việt Nam cần chuyên gia kỹ thuật, dinh dưỡng, thể lực, đội ngũ y tế, và cả chuyên gia tâm lý hỗ trợ cầu thủ từ nhỏ. Hơn nữa, V.League và giải hạng Nhất cần vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, mang lại giá trị lâu dài.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.