Multimedia Đọc Báo in

Doanh nhân bóng đá

08:15, 13/10/2024

Lịch sử V-League từng chứng kiến rất nhiều “ông bầu” danh tiếng. Xuất phát điểm là những doanh nhân có niềm đam mê với bóng đá, họ sẵn sàng dành trọn tâm huyết và tiền bạc cho những giá trị của môn thể thao “vua”.

Khái niệm “ông bầu” vốn dùng để gọi các cá nhân đầu tư xây dựng đội bóng hoàn toàn bằng tiền túi hoặc từ doanh nghiệp của mình. Rất nhiều gương mặt tiêu biểu đã từng xuất hiện trên sân cỏ nội nhưng tựu trung, số lượng “ông bầu” đúng nghĩa không nhiều. Tròn 25 năm, V-League lên chuyên nghiệp thì bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hiển là những chân dung nổi trội nhất.

Đến với bóng đá vì những mục đích khác nhau, nhưng tâm huyết và sự đầu tư mà các “ông bầu” bỏ ra là không nhỏ. Có những người đến vì yêu, vì niềm đam mê thực sự và muốn cụ thể nó bằng những “đứa con tinh thần” mang tên bóng đá. Nhưng, vẫn có những ông bầu khác chỉ xem bóng đá như một phương tiện để đánh bóng tên tuổi, để phục vụ mục đích kinh doanh. Một khi đã thỏa mãn, hoặc đơn giản không còn động lực, họ dễ dàng rũ bỏ và để lại những hệ lụy cho đội bóng, từ đó đa số dẫn đến giải thể.

Bầu Hiển cùng niềm hạnh phúc mang tên bóng đá. Ảnh: VPF

Chính vì thế, sự tôn trọng dành cho bầu Đức và bầu Hiển càng được nâng cao bởi đã 25 năm trôi qua, cả hai vẫn còn đó tâm huyết với đam mê. Tiền bạc với họ dường như không phải vấn đề một khi đã xác định dấn thân vào môn thể thao “vua”. Xuất phát điểm là những doanh nhân với công việc kinh doanh trên nhiều loại hình, họ đã say mê bóng đá như một mối tình lớn.

Việc Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội vô địch V-League đến 6 lần trong vòng 15 năm qua như một mốc son trong con đường phát triển của đội bóng này và cả của bóng đá nước nhà. Hẳn mọi người đều nhớ khởi nguồn của Hà Nội FC là CLB hạng Ba, mỗi năm thăng một hạng, vô địch tất cả các hạng đấu mình tham gia, bây giờ họ đang đá tốt, đã từng tạo ra hình ảnh tích cực tại đấu trường khu vực, còn gì mong đợi hơn!

Để ý sẽ thấy những thành quả ấy không phải ngẫu nhiên gặt được, mà đấy là kết quả của cả một quá trình. Bởi mấy năm qua, bầu Hiển luôn tìm cách quy tụ những người làm bóng đá tốt nhất về dưới mái nhà của mình để cùng xây dựng một sự nghiệp bóng đá bền vững, bắt đầu từ việc xây những những giá trị mang tính nền tảng. Bầu Hiển xứng đáng được xem là người dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư và dám cả thách thức những ông bầu khác với mục tiêu gặt hái thành tích bóng đá.

Nhìn Hà Nội FC từ cách đào tạo bóng đá trẻ đến nỗ lực xây dựng lối chơi mang thương hiệu riêng của mình, rõ ràng đấy là dấu ấn sâu sắc của bầu Hiển. Đây có thể được xem là mô hình tối ưu, vận hành theo công thức cơ bản: được hậu thuẫn bởi một ông bầu vững kinh tế, đam mê bóng đá và đầy tâm huyết, biết cách làm và làm được để tạo ra thành công bền vững.

Đã đầu tư thì chắc chắn sẽ cần thu về những lợi nhuận, và trong bóng đá, điều đó được cụ thể bằng tiếng tăm, danh hiệu và sự yêu mến từ người hâm mộ. Cả CLB Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai đều thể hiện những giá trị khác nhau nhưng điểm kết vẫn là sự khẳng định vị thế và tên tuổi ở giải đấu hàng đầu Việt Nam. Sức lan tỏa của 2 đội bóng này không chỉ gói gọn tại V-League mà còn ở đội tuyển quốc gia, nơi cầu thủ của cả hai đều gắn liền với giai đoạn thành công của bóng đá nước nhà trong những năm gần đây.

Bức tranh toàn cảnh V-League cũng đã có nhiều sự “thay da, đổi thịt”, phần lớn đều nhờ vào sự đầu tư của các ông bầu trong việc gia tăng mức độ cạnh tranh cho các thế lực của mình. Bóng đá Việt Nam cũng được hưởng lợi gián tiếp bởi các cá nhân đến từ các đội bóng sẽ không ngừng vươn lên nhằm khẳng định tên tuổi và vị thế của mình. Chưa kể, công tác đào tạo trẻ cũng dần trở thành xu hướng chung cho nhiều CLB càng thúc đẩy sự kế thừa và tiếp nối với các thế hệ đàn anh. Có nhiều ý kiến tranh biện, song sự thật là bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời, không thể độc lập phát triển, mà không có các ông bầu.

Bóng đá đâu chỉ chứa đựng những cảm xúc thăng hoa hay những khoảnh khắc tỏa sáng trên sân. Nó còn mang đậm dấu ấn của các ông bầu, những người đứng sau để kiến tạo thành công cho đội bóng. Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) cũng là dịp để chúng ta tôn vinh những đóng góp của lực lượng này cho sự phát triển bóng đá nước nhà.

Đông Nghi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.