Giá trị của ASEAN Cup
ASEAN Cup 2024 đã cận kề. Giải đấu đang trở nên hấp dẫn hơn bởi tính cạnh tranh được cải thiện, tham vọng của các đội bóng và nhắc nhở tất cả rằng giải “ao làng” này vẫn thực sự có giá trị.
Từ cúp “con Cọp”…
ASEAN Cup, tiền thân với tên gọi Tiger Cup, ra đời từ năm 1996 nhờ sự hỗ trợ tài chính từ một thương hiệu bia nhằm tạo ra sân chơi riêng cho cấp đội tuyển quốc gia trong khu vực, thay vì gắn với SEA Games. Đã 28 năm với 14 lần tổ chức, chỉ có 4 quốc gia (Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Malaysia) vô địch giải đấu này. Chia tay bia Tiger để chuyển sang xe máy Suzuki từ năm 2008 rồi đến Mitsubishi năm 2022 nhưng người ta vẫn hay dùng cụm từ cửa miệng “cúp con Cọp” khi nói về lịch sử của giải đấu.
Xuyên suốt lịch sử giải đấu luôn đi kèm với những thay đổi về thể thức thi đấu. Ở những kỳ đầu tiên, giải đấu chỉ diễn ra tại một quốc gia chủ nhà. Đến năm 2002, các trận đấu thuộc vòng bảng sẽ diễn ra ở hai quốc gia, một trong hai nước này sẽ tiếp tục tổ chức các trận đấu thuộc vòng đấu loại trực tiếp. Đến năm 2018, thể thức sân nhà - sân khách đã được áp dụng tại vòng đấu bảng; theo đó, các đội tuyển sẽ được chơi 2 trận trên sân nhà, 2 trận trên sân khách.
Bóng đá Việt Nam khát khao tìm lại vinh quang tại ASEAN Cup 2024. Ảnh: VFF |
Người Thái đã 7 lần đoạt “cúp con Cọp” với sự thống trị ở những năm đầu giải đấu được “khai sinh” và ở 2 kỳ gần nhất 2020 - 2022. Singapore với “chiến lược, chiến thuật” từ nguồn lực cầu thủ ngoại cũng vô địch 4 lần. Malaysia cũng kịp một lần nâng cúp dưới bàn tay của “phù thủy” Rajagopal. Bóng đá Việt Nam ăn mừng ngôi vương theo “chu kỳ 10 năm” 2008 - 2018 với hai nhà cầm quân ngoại quốc là Calisto và Park Hang-seo. Indonesia hẳn sẽ tiếc nuối nhiều nhất, khi họ đã 6 lần vào chơi chung kết nhưng đều “lỡ hẹn” với ngôi vương.
… đến ASEAN Cup 2024
Giải đấu lớn nhất khu vực từng có giai đoạn được ví như “ao làng”, nhưng sân chơi Đông Nam Á năm nay bỗng dưng “xôm tụ” khi ai cũng “khát” vô địch. Câu hỏi được đặt ra ở đây, tại sao năm nay các đội khát khao đến thế?
Bóng đá Việt Nam quay về “ao làng” khi đã “ngợp nước” nơi “biển lớn” với giới hạn đi đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Malaysia vẫn đang “lỡ dở” với sách lược có hay không cầu thủ nhập tịch. Indonesia đang tạo được tiếng vang tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026 nhưng họ vẫn khát khao được nếm mùi vị chiến thắng của ASEAN Cup. Bao giờ cũng thế, Thái Lan luôn là đội bóng “đặc biệt” ở khu vực và họ không dễ dàng chịu lép vế. Bức tranh toàn cảnh bóng đá Đông Nam Á trước thềm ASEAN Cup 2024 được nhìn nhận trên những phác họa như thế.
Chưa rõ những thể hiện lúc thực chiến đến đâu nhưng nhìn quanh, thấy ai cũng hô hào vô địch. Mục tiêu đã được đặt ra rất rõ ràng từ đội tuyển Việt Nam quyết tâm tìm lại vị thế vốn có cho đến Thái Lan muốn “định vị” sức mạnh của mình. Người Mã lại muốn trả “món nợ” đã vay trước đội tuyển Việt Nam 6 năm về trước; trong lúc Indonesia, Malaysia hay Singapore đều giấu tham vọng vào lòng.
Bóng đá Thái Lan đã từng “no nê” với danh hiệu vô địch ASEAN Cup. Huấn luyện viên Kiatisuk thời còn là cầu thủ đến lúc cầm quân đã từng có những chức vô địch “dễ như ăn kẹo”. Nhưng rồi, thời kỳ “hậu” Kiatisuk, người Thái không còn giữ mãi được “quyền uy” của mình. Vẫn biết Thái Lan hời hợt với ASEAN Cup để đuổi theo giấc mộng châu Á không phải là con đường sai, nhưng để đi trên con đường đó phải cần và mất nhiều thứ từ thời gian, tiền của và những nỗ lực không ngừng. Những trận thua đậm ở tầm châu lục, đủ để Thái Lan “tỉnh mộng” và hiểu rằng cần thêm thời gian.
Trong 5 đội tuyển quốc gia từng vào chung kết ASEAN Cup, Indonesia là đội duy nhất chưa một lần hưởng hương vị chiến thắng dù đã 6 lần đá trận chung kết. Đó thực sự là nỗi ám ảnh rất lớn với đội bóng xứ vạn đảo. Vậy nên, khát khao được một lần lên đỉnh Đông Nam Á đang thôi thúc thầy trò ông Shin Tae-yong.
Phải khẳng định rằng, muốn vươn tầm, trước hết cần khẳng định vị thế ở Đông Nam Á. Muốn đi xa, phải đi bằng những bước căn cơ, vững chắc. Biết rằng giải “ao làng” nhưng cũng phải chơi và chơi với thái độ trách nhiệm. Muốn ra “biển lớn” cần vượt lên hẳn từ “ao làng”.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc