Ðể không lãng phí nguồn lực cầu thủ Việt kiều
Bóng đá Việt Nam đã đón nhận rất nhiều cầu thủ Việt kiều trong hơn 25 năm qua. Dù thế, chưa nhiều gương mặt thành công ở mọi cấp độ. "Đánh thức" và sử dụng nguồn lực này vẫn là câu chuyện dài với những thách thức lớn…
1. Nhìn lại sẽ thấy, đã có không ít cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng nhưng để có được một chỗ đứng ở câu lạc bộ (CLB) họ phải thực sự xuất sắc, bởi trước đây quy định cầu thủ Việt kiều được tính là ngoại binh, bây giờ mới được tính như nội binh. Do đó, các CLB đều ưu tiên lấy cầu thủ ngoại, tầm quan trọng vô cùng lớn trong hệ thống chiến thuật. Có được vị trí ở CLB đã khó, đường đến đội tuyển quốc gia (ĐTQG) càng gian nan hơn. Đấy là lý do chính chưa hấp dẫn được các Việt kiều đẳng cấp "hồi cố hương". 25 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có thể kể ra những gương mặt "hiếm hoi" gốc Việt thành công như Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Nguyễn Filip.
Thực tế, có không ít cầu thủ sống ở nước ngoài mang dòng máu Việt trong mình muốn được trở về, khát khao cống hiến cho ĐTQG. Vấn đề cốt lõi của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng các cơ quan chức năng là phải làm sao để các thủ tục đơn giản hơn, cơ chế điều chỉnh thông thoáng nhất nhằm "khơi thông", không lãng phí dòng chảy nhiều "phù sa" này.
![]() |
Bóng đá Việt Nam cần thêm những cầu thủ Việt kiều xuất sắc như Đặng Văn Lâm. Ảnh: VFF |
Từ chính sách thu hút nhân tài bóng đá Việt Nam ở nước ngoài của VFF, thời gian sắp đến, chắc chắn các CLB sẽ quan tâm tới nguồn lực này. Mặt khác, những cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp thực sự cũng có thể an tâm về nước khi thu nhập ở V. League hiện nay (lương, thưởng, phí chuyển nhượng) đã có chuyển biến tích cực.
Bóng đá Việt Nam đang có nguồn cầu thủ Việt kiều dù chưa dồi dào nhưng nếu biết cách tận dụng, các cấp độ đội tuyển Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Bài toán đặt ra cho chúng ta là làm cách nào để chọn ra những cầu thủ phù hợp và tạo điều kiện giúp họ trở về nước, cống hiến tài năng cho các ĐTQG.
Một khi lượng cầu thủ gốc Việt rải đều khắp các CLB, lại có chất lượng và được đào tạo ở môi trường bóng đá tính chuyên nghiệp cao, chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm V. League, tạo hấp lực để kéo khán giả lẫn nhà tài trợ ủng hộ. Từ đó, sẽ giúp đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam có nhiều điều kiện để bổ sung lực lượng có chiều sâu.
2. Trong dòng chảy hội nhập, xu thế chung của thể thao, bóng đá của các nước vẫn tận dụng nguồn lực nhập tịch. Trong những năm gần đây, các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á và châu Á đã áp dụng điều này mạnh mẽ. Đến nay, kết quả cho ra có thể có cả thành công lẫn thất bại. Tuy nhiên, giá trị đọng lại lớn nhất là từ đây mở ra được những hướng đi cho thể thao, bóng đá Việt Nam.
Với khoảng gần 6 triệu kiều bào đang sinh sống tại hơn 130 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, rõ ràng tiềm năng đóng góp của những cầu thủ gốc Việt là rất lớn. Mà đâu chỉ riêng tiềm năng thể thao, nguồn lực kinh tế từ bà con kiều bào đã và đang góp phần đáng kể cho công cuộc phát triển đất nước. Ở các lĩnh vực, việc khai thác nguồn lực từ kiều bào luôn là chính sách được coi trọng. Giấc mộng đưa bóng đá Việt Nam vượt giới hạn, nằm trong top 10 châu Á, sớm giành vé dự World Cup, rất cần sự chung tay của các cầu thủ gốc Việt trên thế giới.
Thông điệp từ những nhà làm bóng đá nước nhà cũng như huấn luyện viên trưởng ĐTQG đã có. Đội tuyển Việt Nam không thể bỏ phí những nguồn lực như thế cho quá trình phát triển. Vấn đề là cần làm sao để chọn lọc được những “tinh hoa” trở về, thay vì những người trình độ chỉ làng nhàng, tính cầu tiến lại không cao. Đồng thời, cần khơi dậy được tình yêu quê hương, đất nước để những cầu thủ thực sự có khát khao, tạo ra động lực cống hiến và cháy hết mình khi trở về khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc