ASIAD - “Thước đo” giá trị của tấm huy chương
Ở những sân chơi quy mô, đấu trường lớn, cấp châu lục như Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), tấm huy chương trên bảng tổng sắp chính là “tấm gương” phản chiếu giá trị thực của thể thao đỉnh cao một đất nước.
Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự đấu trường châu Á từ kỳ Đại hội lần thứ 9 năm 1982 tại Ấn Độ và đoạt tấm Huy chương Đồng ở môn bắn súng nhờ công của xạ thủ Trần Quốc Cường. Phải đợi đến 12 năm sau, tại ASIAD năm 1994 diễn ra tại Nhật Bản, TTVN mới có tấm Huy chương Vàng (HCV) lịch sử của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ bên cạnh 2 Huy chương Bạc của võ sĩ Phạm Hồng Hà và Trần Văn Thông ở môn karate. Bẵng đi một thời gian, đến năm 2002, TTVN mới đoạt 4 HCV tại ASIAD 14. Song sau đó, từ ASIAD 15 đến ASIAD 17, số HCV của Việt Nam sụt giảm, từ 3 xuống 1 huy chương. Đến kỳ ASIAD 18 diễn ra vào năm 2018 tại Indonesia, TTVN mới lần đầu tiên đạt số lượng HCV nhiều nhất với 5 huy chương.
Lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19. Ảnh: Phong Uyên |
Nhìn vào “biểu đồ”, thống kê số lượng HCV của TTVN tại sân chơi quy mô châu lục, có thể thấy chúng ta không có nhiều bước tiến đáng kể, nếu không muốn nói là có quãng thời gian đi xuống nếu nhìn sang các nước cùng khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm châu Á. Cụ thể, so với kỳ ASIAD gần đây nhất, chúng ta chỉ đứng thứ 4 trong khu vực, xếp sau Indonesia (31 HCV), Thái Lan (11 HCV) và Malaysia (7 HCV).
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc TTVN chưa thể vươn ra biển lớn để khẳng định được ở tầm châu lục, mà một trong những nguyên nhân chính đó là chúng ta chưa có một định hướng chiến lược dài hơi, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho những môn thể thao nằm trong chương trình, nội dung thi đấu của các đại hội thể thao châu Á, xa hơn nữa là Olympic. Minh chứng là trong suốt 2 thập kỷ vừa qua, Việt Nam chỉ dồn sức đầu tư cho SEA Games với mục tiêu là phải nằm trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á và vươn lên dẫn đầu. Mục tiêu đó chúng ta đã hoàn thành, liên tiếp trong hai kỳ SEA Games 31 và 32, Việt Nam dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, nhiều môn đoạt huy chương tại SEA Games lại không nằm trong chương trình, nội dung thi đấu của ASIAD. Nghĩa là những tấm huy chương này chỉ mang tính chất cạnh tranh nội bộ giữa các nước trong khu vực để tính thành tích của “người nhà” với nhau, chứ không thực sự là “thước đo” chuẩn mực, phản ánh thực chất chuyên môn của các vận động viên. Thực tế thì ngay cả thành tích của các vận động viên Việt Nam đạt được tại SEA Games vẫn còn khoảng cách, trình độ khá xa với vận động viên các cường quốc thể thao trong khu vực châu Á.
Chắc chắn, những người làm công tác thể thao nước nhà đã nhận ra điều đó nên không phải ngẫu nhiên mà tại ASIAD 19, Việt Nam chỉ đề ra mục tiêu khiêm tốn là đoạt 2 - 5 HCV. Ở một sân chơi quy mô, quy tụ những vận động viên chuyên nghiệp tài năng, được đào tạo bài bản, đạt trình độ đỉnh cao và cạnh tranh quyết liệt thì mục tiêu thận trọng trên là phù hợp với thực tế, trình độ chuyên môn của các vận động viên, các bộ môn thể thao thế mạnh của Việt Nam vào lúc này.
Tuy nhiên về dài lâu, để hội nhập, tiếp cận, thu hẹp trình độ, đủ sức cạnh tranh với thể thao châu lục thì TTVN buộc phải thay đổi tư duy, không phải cứ mãi tư duy theo cái cách đưa ra mục tiêu thấp để rồi hoàn thành hay vượt chỉ tiêu là hài lòng, xem như thành công hoặc cứ mãi đầu tư trọng điểm cho các vận động viên cải thiện thành tích trong khu vực Đông Nam Á mà không quan tâm đến bước tiến của thể thao khu vực châu Á, rộng hơn nữa là thế giới.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc