Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn thị trấn Quảng Phú từ 18 giờ ngày 31-8

20:19, 30/08/2021

UBND huyện Cư M’gar vừa có công văn về việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thị trấn Quảng Phú.

Theo UBND huyện Cư M’gar, tình hình COVID-19 trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp hơn. Hiện các ca nhiễm mới ở địa phương chưa xác định được chính xác nguồn lây nhiễm.

Để kịp thời khống chế dịch bệnh, UBND huyện quyết định thực hiện cách ly xã hội trên toàn địa bàn thị trấn Quảng Phú theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ 18 giờ ngày 31-8-2021 cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu gia đình thực hiện cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết như mua lương thực thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện (trạm y tế) và tại nơi công cộng.

Lực lượng y tế lấy mẫu test SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn huyện
Lực lượng y tế lấy mẫu test SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn huyện Cư M'gar.

Dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu như: nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện nước...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Đối với các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến.

Dừng triệt để các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại điểm công cộng và các cơ sở cung cấp dịch vụ.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn thị trấn Quảng Phú, người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của thị trấn. Đối với các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Đối với việc đi chợ, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội: Chỉ được phép đi chợ 3 lần/tuần tại các các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thị trấn, không được phép đi ra khỏi địa bàn thị trấn.

UBND huyện giao UBND thị trấn Quảng Phú bố trí lực lượng lập các chốt kiểm soát người đi lại giữa thị trấn Quảng Phú và các xã, thị trấn; chủ động phối hợp các ngành liên quan có kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ nhu yếu phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn thị trấn Quảng Phú bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; phân công lãnh đạo, CCVC, đội ngũ phục vụ luân phiên trực, làm việc theo lịch, tối đa không quá 30% tổng số cán bộ, CCVC của cơ quan, đơn vị (trừ lực lượng vũ trang, lực lượng công tác trong lĩnh vực y tế và đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường…). Đối với cán bộ, CCVC, người lao động sinh sống trên địa bàn, có nơi làm việc tại các địa bàn ngoài thị trấn Quảng Phú yêu cầu phải xuất trình thẻ cán bộ CCVC khi đi làm việc.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.