Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển, từng bước thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn, cần phát huy mọi nguồn lực và có những giải pháp quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Từng bước thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã thực hiện từng bước hiệu quả “mục tiêu kép”, vẫn kiểm soát dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Vận chuyển cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Ảnh: Đỗ Lan |
Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì và phát triển; một số chỉ tiêu lớn đạt cao hơn so với cùng kỳ: Tốc độ tăng trưởng tăng 9,11%; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 11,59%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,77% so với cùng kỳ đã góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, có mức tăng khá. Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tích cực (đạt 7.511,61 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch), tăng 27,5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất xây dựng toàn tỉnh ước đạt khoảng 4.807 tỷ đồng, tăng 2,18% so với cùng kỳ.
Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh kịp thời, đảm bảo đúng mục tiêu. Sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo có nhiều tiến bộ; tình hình an ninh chính trị ổn định. Hoạt động tài chính ngân hàng cơ bản đáp ứng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; dư nợ cho vay nền kinh tế có sự tăng trưởng khá…
“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mỗi ngành, mỗi địa phương cần phải có kế hoạch, kịch bản cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được giao, kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo sức khỏe, đời sống của người dân; kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, không làm gián đoạn các chuỗi sản xuất” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà.
|
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, công tác thu ngân sách nhà nước cơ bản đạt kế hoạch đề ra (tổng thu đạt 3.595,4 tỷ đồng, bằng 48,51% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 66,95% dự toán Trung ương giao). Tuy nhiên, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn trong cơ cấu thì chỉ tiêu thu biện pháp tài chính chỉ đạt 27,14% theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt rất thấp so với kế hoạch, tính đến ngày 30-6-2021, tỷ lệ thực hiện nguồn vốn năm 2020 chuyển nguồn đạt 27,04%, nguồn vốn năm 2021 mới đạt 19,43%. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ (số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng kinh doanh tăng 8,87% so với cùng kỳ)…
Tập trung, phát huy mọi nguồn lực
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thẳng thắn nêu rõ: Trong 6 tháng cuối năm, dự báo tình hình kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn lớn hơn, khi mà trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ca dương tính SARS-CoV-2, số lượng F1, F2 phải cách ly ngày càng nhiều. Một số hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao phải tạm dừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm, UBND tỉnh mong muốn và kêu gọi sự tham gia, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện “mục tiêu kép”; đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra từ đầu năm.
Sản xuất cà phê bột đóng gói ở Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Cùng chung nhận định về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế phân tích, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, do vậy UBND tỉnh phải có giải pháp hợp lý cho 6 tháng còn lại để thu đạt kế hoạch đề ra, song song với đó cần có biện pháp rà soát lại các khoản chi và cắt giảm tương ứng so với mức giảm thu; đôn đốc các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư triển khai các dự án có liên quan đến nguồn thu tiền sử dụng đất nhằm đảm bảo thu cân đối ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu năm 2021 mà HĐND tỉnh giao.
Bên cạnh đó phải chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân và triển khai thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; cần sớm có giải pháp khả thi về tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19…
Tại kỳ họp, nhiều giải pháp thiết thực cũng đã được đề ra, trong đó căn cứ tình hình thực tế của địa phương để chủ động, linh hoạt, chia sẻ trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; tập trung, phát huy mọi nguồn lực; đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thực hiện kết nối giao thương để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc