Multimedia Đọc Báo in

Chống "giặc COVID-19", sức mạnh của lòng dân (Kỳ 2)

08:25, 23/09/2021

Kỳ 2: Mỗi gia đình, khu phố… là một “pháo đài”

Cuộc chiến chống “giặc COVID-19” đòi hỏi tinh thần hợp đồng tác chiến rất cao. Mỗi gia đình, khu dân cư, xã, phường chính là từng “pháo đài” phòng, chống dịch, trong đó các “chiến sĩ” kề vai, sát cánh, che chắn cho nhau, cùng nhau chiến đấu để quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Cả gia đình cùng tham gia chống dịch

Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát cũng là ngần ấy thời gian Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cùng đồng đội túc trực trên biên giới. Gần như anh không có ngày thảnh thơi, hôm cùng đồng đội tuần tra, bảo vệ biên giới, hôm ra tổ, chốt động viên bộ đội, hôm lại xuống địa bàn xã để bám nắm, theo dõi và tuyên truyền, vận động quần chúng. Anh còn cùng đồng đội “đi từng gõ, gõ từng nhà” tuyên truyền bà con thực hiện các biện pháp phòng dịch, không đi khỏi địa bàn khi không thực sự cần thiết. Nhờ vậy đến nay, các buôn làng ở xã biên giới Krông Na vẫn được bình yên.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương (bìa trái) xuống địa bàn xã Krông Na tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân.

Anh Lương xung kích trên tuyến biên giới thì ở hậu phương, vợ anh là chị Vũ Thị Quỳnh Hậu cũng bận rộn không kém. Công tác tại Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, chị được điều động tăng cường cho Tổ giúp việc phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Y tế. Giữa ngổn ngang thông tin về dịch, chị Hậu cùng các đồng nghiệp phải thường xuyên trực máy, kịp thời nắm bắt, cập nhật, nhận định tình hình, đánh giá nguy cơ để kịp thời tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Những văn bản chống dịch “thần tốc” như: triển khai bệnh viện dã chiến, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng, chủ động phòng, chống dịch theo nhiều cấp độ cụ thể… được ban hành kịp thời có sự đóng góp không nhỏ của chị và các đồng nghiệp. Cả vợ chồng cùng xung kích ở tuyến đầu nên anh chị phải nhờ cậy bà ngoại chăm sóc cho con gái nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Cư Yang (huyện Ea Kar) Trần Duy Thành cho biết: "Ban Chỉ đạo xã Cư Yang đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân khu cách ly và những hộ khó khăn, kiên quyết bảo vệ địa bàn, hạn chế tối đa nguy cơ dịch xâm nhập. Thà kiên quyết, làm chặt chẽ ngay từ đầu để phòng còn hơn để dịch xảy ra rồi chống sẽ rất khó khăn, tốn kém".

Xác định “chống dịch như chống giặc”, hơn 1 tháng nay, gia đình ông Bùi Thanh Trí ở thôn 4 (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Cuối tháng 7, khi biết con trai là Bùi Thanh Sơn đi xe máy từ TP. Hồ Chí Minh về, ông Trí đã lập tức dọn dẹp căn chòi canh trong vườn của gia đình để Sơn thực hiện cách ly và dặn dò con phải thực hiện khai báo y tế trước khi về nhà. Hơn 11 giờ đêm về đến nơi, Sơn xuống thẳng chòi canh để tự cách ly.

Mỗi ngày của Sơn trôi qua thật chậm trong căn chòi canh nhỏ hẹp. Cơm nước và những vật dụng cần thiết được người nhà đưa tới cửa rồi Sơn tự ra lấy vào. Sơn cũng tự mình kiểm tra thân nhiệt, đến ngày thứ 3 thấy bắt đầu sốt, gia đình báo ngay cho Trạm Y tế xã Ea Kao. Khi kiểm tra xác định kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Sơn được đưa đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1. Sau hơn 1 tháng điều trị, Sơn đã khỏe mạnh và trở về căn chòi cũ tiếp tục cách ly 14 ngày. Ông Bùi Thanh Trí chia sẻ: “Nếu gia đình tôi chủ quan, lơ là thì cả nhà đã trở thành ổ dịch và biết đâu còn lây lan cho hàng xóm, tạo gánh nặng và áp lực cho chính quyền địa phương. Mỗi người dân là một "chiến sĩ", mỗi gia đình trở thành một "pháo đài" phòng, chống dịch như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thì vi rút rất khó xâm nhập”.

Những “pháo đài” vững ngoài, chặt trong

11 giờ trưa, chốt kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào của thôn Nam Thái (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) vẫn đầy đủ 3 thành viên. Điểm chốt này chỉ dựng tạm, không có lều bạt, khi nắng mọi người đội mũ bảo hiểm, lúc mưa thì khoác chiếc áo mưa chứ không ai rời bỏ vị trí.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông Nguyễn Đình Liệu, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng thôn Nam Thái cho hay, cả ba phía Bắc, Đông, Nam tiếp giáp với thôn đều là vùng dịch nên để giữ cho thôn thuộc "vùng xanh" và bảo vệ thành quả phòng, chống dịch, thôn thành lập 3 chốt kiểm soát người ra, vào địa bàn. Buổi tối, thành viên các chốt chia ca đi tuần tra, kiểm soát các đường ngang, ngõ hẻm vừa nhắc nhở người dân thực hiện 5K, vừa bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn rộng hơn 100 ha.

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 do xã Cư Yang (huyện Ea Kar) thành lập nhằm phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh từ xã giáp ranh.

Không chỉ siết chặt vòng ngoài, thôn Nam Thái còn quản lý chặt chẽ bên trong. Ban tự quản thôn thành lập sổ nhật ký, ghi chép đầy đủ thông tin những gia đình có người đi làm ăn xa về địa phương. Khi huyện Krông Búk thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng thôn Nam Thái phát phiếu đi chợ cho người dân, hỗ trợ mua hàng hóa, thức ăn chăn nuôi cho hộ tự cách ly tại nhà. Thôn cũng thành lập trang Zalo chung do công an viên thôn điều hành, cung cấp những thông tin chính thống về công tác phòng, chống dịch cho người dân, đồng thời ghi nhận những trường hợp khó khăn, các vướng mắc phát sinh để hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Nhờ vậy đến nay, thôn Nam Thái vẫn an toàn giữa vùng dịch.

Khi xã Cư Bông (huyện Ea Kar) trở thành vùng dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Cư Yang (giáp ranh với xã Cư Bông) lập tức chuyển toàn bộ lực lượng sang thế phòng thủ. Một chốt kiểm soát dịch nhanh chóng được thành lập tại khu vực giáp ranh ở cầu thôn 6 để kiểm soát y tế và giám sát đối với các trường hợp ra, vào địa bàn, ghi chép đầy đủ thông tin cá nhân, nơi đi, đến. Xã cũng thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động. Song song với việc bảo vệ vòng ngoài, Ban Chỉ đạo xã cũng tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính ở xã Cư Bông để phân loại, cách ly tập trung theo quy định. Đồng thời, vận hành hoạt động các khu cách ly tập trung tại xã, kích hoạt 44 tổ COVID-19 cộng đồng giám sát những trường hợp cách ly tại nhà, quản lý chặt địa bàn 14 thôn, buôn, tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết thực hiện nghiêm quy định 5K.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Trên từng trận tuyến

            Nguyễn Xuân – Quỳnh Anh – Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.