Multimedia Đọc Báo in

Đến năm 2025: Phấn đấu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số

17:39, 24/12/2021

Chiều 24/12, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết số 21).

Đồng  chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành hữu quan.

Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2012-2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quán triệt Nghị quyết số 21. Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT.

Kết quả, tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHXH đạt gần 16,2 triệu người (gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng trên 5,6 triệu người so với năm 2012; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc trên 15 triệu người và BHXH tự nguyện trên 1,1 triệu người (tăng gần gấp 10 lần so với năm 2012, đạt 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện).

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 13,3 triệu người, tăng trên 5 triệu người so với năm 2012, đạt 27% lực lượng lao động. Về BHYT có khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,97% dân số; số người tham gia tăng nhanh qua các năm, sau 8 năm tăng gần 29 triệu người; cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn theo Nghị quyết số 21.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện theo quy định của pháp luật; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện; thủ tục hành chính được cải cách, giảm phiền hà và bảo đảm quyền lợi người tham gia. Chính sách BHXH đã thay thế, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động…

Trong thời gian tới hướng đến mục tiêu: hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, BHYT, tiến tới thực hiện BHXH, BHYT toàn dân; tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, BHYT theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia BHXH thất nghiệp, 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí lưu ý, giai đoạn tới cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng; tăng cường các giải pháp, cách thức tuyên truyền BHXH sâu rộng cho các đối tượng; tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp hỗ trợ phù hợp để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia BHYT nhằm thực hiện BHYT toàn dân, nhất là ở các tỉnh miền núi; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục nâng cao trình độ công chức, viên chức trong lĩnh vực BHXH, BHYT và không ngừng cải cách hành chính trong thực hiện, giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.