Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau tết Nhâm Dần

16:30, 21/01/2022

Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau tết Nhâm Dần.

Hiện nay, đã bước vào thời gian cao điểm có nguy cơ gia tăng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau tết Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh, chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung sau: 

Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Chú ý lồng ghép với công tác tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị, địa phương đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Vạn Tiếp

Tập trung tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh bạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp của các chủ rừng, các cơ sở chế biến, mộc dân dụng, các lò than, các tụ điểm mua bán lâm sản, động vật hoang dã, các tuyến đường vận chuyển gỗ trái phép trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. 

Công an tỉnh chủ động triển khai lực lượng, nắm bắt tình hình quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng, địa phương để kịp thời xử lý các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hỗ trợ các chủ rừng, địa phương trong trường hợp cần thiết. 

Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, các hành vi săn, bắt, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển các loài động vật hoang dã trái phép, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm. 

Các đơn vị chủ rừng phải tăng cường, bố trí lực lượng để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý; trong trường hợp cần hỗ trợ bảo vệ rừng phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND cấp huyện để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước pháp luật khi để xảy ra phá rừng, cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên lâm phần được giao nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ngành và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.