Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh:

Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

13:45, 31/03/2022

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình tư vấn nghề nghiệp, tuyển sinh, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ tại Lễ đón quân nhân xuất ngũ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. 

Tại buổi tư vấn, tuyển sinh, giới thiệu việc làm, quân nhân xuất ngũ được cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn về việc làm, tư vấn nghề nghiệp và cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, các đơn vị có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài đã giới thiệu, tư vấn cho quân nhân những công việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho bộ đội xuất ngũ như mức lương khởi điểm cao, hỗ trợ kinh phí trong thời gian học việc, hỗ trợ chỗ ăn, ở được các doanh nghiệp đưa ra tại buổi tư vấn. 

1
 Học viên là bộ đội xuất ngũ tham gia lớp học nghề lái xe do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Nam Cao Nguyên liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyển sinh.

Bộ đội xuất ngũ là lực lượng đã được học tập, rèn luyện, nên có ý thức tổ chức kỷ luật cao, phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt, tác phong nhanh nhẹn - Đây là lợi thế. Chính vì vậy, các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước thường ưu tiên tuyển chọn lao động là bộ đội xuất ngũ khi có nhu cầu tìm kiếm nhân sự trong một số ngành nghề, nhất là lao động có tay nghề hoặc đã qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, nhiều bộ đội xuất ngũ lại chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp, học nghề gì, làm việc gì phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực, giúp bộ đội xuất ngũ tiếp cận thông tin hoàn toàn miễn phí về học nghề và tìm kiếm, duy trì, tự tạo việc làm cho bản thân góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, sau buổi tư vấn việc làm, tư vấn nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động liên hệ trực tiếp với từng quân nhân để tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, thế mạnh của từng người, từ đó hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Đồng thời kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để người lao động được hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chế độ quy định.

2
Em Trần Văn Tiến, bộ đội xuất ngũ ở huyện Krông Bông đang học nghề nấu ăn vừa làm thêm tại TP. Buôn Ma Thuột. 

Sau gần 2 tháng tổ chức chương trình tư vấn việc làm, dạy nghề năm 2022, đến nay đã có 49 quân nhân đăng ký tham gia các lớp học nghề; trong đó có 7 quân nhân đã đi học và được hỗ trợ học nghề; gần 200 lượt quân nhân được giới thiệu tìm việc làm ở thị trường trong, ngoài tỉnh và các thị trường xuất khẩu lao động phù hợp với nguyện vọng.

Qua giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, em Trần Văn Tiến, bộ đội xuất ngũ ở huyện Krông Bông đã được nhận vào làm việc tại căn tin Bệnh viện Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột), với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn, ở. “Tôi rất hài lòng về ý thức trách nhiệm, tinh thần cầu thị vừa làm, vừa học nghề của lao động là bộ đội xuất ngũ. Khi có tay nghề vững vàng, tôi sẽ sắp xếp công việc phù hợp với mức lương tương ứng, cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác”, anh Lê Nguyễn Minh Quân, chủ căn tin Bệnh viện Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết.

Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định, hoạt động tiếp xúc, tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương, trong đó có Trung tâm đối với quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, là biện pháp quan trọng để các địa phương nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ trong những năm tiếp theo.

Nguyên Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.