Multimedia Đọc Báo in

Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ giảm nghèo không đạt chỉ tiêu đề ra

19:59, 24/05/2022

Sáng 24/5, Đoàn công tác của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh do đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TBXH nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghi ̣quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. 

Theo báo cáo tại buổi làm việc, giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Nghị quyết 15 là 769 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí 85,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã huy động đóng góp từ người dân hơn 36 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. 

Thông qua tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng doanh số ước đạt gần 7 tỷ đồng; thực hiện tốt việc lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án khác có chung mục tiêu, địa bàn nhằm phát huy hiệu quả đầu tư với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng…

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở Lao động, thương binh và xã hội.
Đoàn công tác của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh làm việc tại Sở LĐ-TBXH.

Nhờ đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm xuống còn 7,91% (giảm 11,46% so với cuối năm 2015), đạt bình quân 2,29%/năm, không đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh để ra (kế hoạch là 2,87%/năm). Đến cuối giai đoạn, thu nhập bình quân của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng lên 1,9 lần so với năm 2015 (ước đạt chỉ tiêu đề ra). Trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm xuống còn 27,67%, bình quân giảm 5,59% (vượt chỉ đề ra). Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Bên cạnh đó, một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: chỉ mới có 86,96% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 23,91% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 81,72% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng 63,68% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm...

Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ việc hỗ trợ con giống, vật nuôi theo Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ việc hỗ trợ con giống, vật nuôi theo Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở LĐ-TBXH làm rõ việc lồng ghép các chính sách, pháp luật trong giảm nghèo gắn với đối tượng, địa bàn, những tồn tại về thể chế, chính sách, tổ chức thực hiện; các tiêu chí của tỉnh trong xác định hộ nghèo giai đoạn mới, những bất cập trong tiêu chí xác định hộ nghèo hiện nay...

Giải trình những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, đại diện Sở LĐ-TBXH cho rằng, các chương trình về giảm nghèo còn dàn trải. Đối với các tiêu chí đánh giá về nghèo đa chiều, qua thực hiện ở địa phương đã bộc lộ vướng mắc như: con giống, cây giống, đối tượng thụ hưởng..., đánh giá theo các tiêu chí còn gặp khó khăn... 

Đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; chủ động nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, biện pháp khắc phục những hạn chế cũng như những vấn đề đang đặt ra nhằm tạo bước chuyển tích cực trong thời gian tới đối với công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo trong giai đoạn mới…

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.