Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp cần đẩy mạnh truyền thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:31, 21/05/2022

Chiều 20/5, Đoàn công tác của Ban Dân tộc - HĐND tỉnh do đồng chí Lê Văn Cường - Trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Ea Súp nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Huyện Ea Súp có 29 dân tộc cùng sinh sống tại 9 xã và 1 thị trấn, với dân số 72.691 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43,68%, đồng bào dân tộc tại chỗ  chiếm 6%.

Giai đoạn 2016 - 2020, quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Ea Súp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn xã hội với sự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo trong huyện. Từ đó, số hộ nghèo của huyện giảm từ 9.198 hộ, chiếm 52,81%; (năm 2016) xuống còn 5.859 hộ, chiếm tỷ lệ 11,80% (năm 2020), bình quân giảm 4,9%/năm. Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng không đạt so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao (UBND tỉnh giao 5,7%; huyện Ea Súp đạt 5,5%). 

Quang cảnh buổi làm việc tại UBND huyện Ea Súp.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND huyện Ea Súp.

Trong 5 năm (2016 - 2020), huyện Ea Súp được đầu tư xây dựng 80 công trình cơ sở hạ tầng tại 9 xã với tổng số vốn đầu tư hơn 91 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 46 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là 42,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 3,2 tỷ đồng)... Ngoài ra, huyện đã tập trung hỗ trợ xây mới và sửa chữa 637 căn nhà với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng… Hiện, có 19.579 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, học tập, xuất khẩu lao động với số vốn vay hơn 501 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, số người được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 241.483 lượt người (trong đó, hộ nghèo là 120.403 lượt người; hộ cận nghèo là 10.640 người; dân tộc thiểu số là 58.562 lượt người; vùng đặc biệt khó khăn là 51.878 người).

Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Ea Súp.
Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Ea Súp.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện nguồn vốn hỗ trợ theo Chương trình 135, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Ea Súp… Qua giám sát, Đoàn công tác đã chỉ ra một số hạn chế như: chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên truyền thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền bằng tiếng địa phương; chưa có chính sách hỗ trợ cho dân di cư tự phát; cần tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở trong thực hiện chính sách hỗ trợ; cần lựa chọn giống và con giống đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng địa phương; rà soát, đánh giá, lựa chọn những mô hình, cây trồng, vật nuôi thế mạnh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả cao để sớm nhân ra diện rộng. Phải chọn đúng đối tượng, ưu tiên đối tượng có quyết tâm thoát nghèo, khi tham gia mô hình phải có cam kết thoát nghèo, tránh trường hợp các hộ được dân hưởng trùng chính sách…

Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường kiểm tra, giám sát thực tế việc hỗ trợ con giống vật nuôi cho một hộ dân ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp).
Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh Lê Văn Cường kiểm tra, giám sát thực tế việc hỗ trợ con giống vật nuôi cho một hộ dân ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp).

*Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại UBND xã Cư Kbang và tham quan thực tế một số mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã.

Hoàng Ân

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.