Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh

16:00, 13/07/2022

Sáng 13/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng chủ trì buổi làm việc.

ảnh
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 đợt thiên tai (trong đó 4 trận dông sét, 2 đợt mưa lũ) làm hư hỏng 56 nhà dân, 5 điểm trường, một số công trình hạ tầng khác và gần 2.000 ha cây trồng các loại, ước tính thiệt hại gần 18,3 tỷ đồng… Tỉnh cũng đã kịp thời phân bổ hơn 70 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” trên cơ sở phương châm “Bốn tại chỗ”. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy các cấp đã tổ chức trực ban nghiêm túc, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó thiên tai kịp thời.

Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai để từng bước nâng cao năng lực trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh…

Từ những nỗ lực đó, tỉnh Đắk Lắk đã xếp thứ 7/63 tỉnh thành trên toàn quốc về kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng nêu những kiến nghị của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng nhấn mạnh, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, nhiều công trình thủy lợi hư hỏng xuống cấp không đảm bảo năng lực thiết kế, việc đầu tư nâng cấp và xây dựng công trình thủy lợi trong những năm gần đây rất hạn chế trong khi nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân liên tục tăng gây ra tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng trong mùa khô; hệ thống thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du các hồ chứa còn thiếu, nên việc truyền tải thông tin như lệnh vận hành hồ chứa nước từ cấp huyện đến người dân còn mất nhiều thời gian; cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ, cứu nạn còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn...

Trong khi đó, loại hình thiên tai của Đắk Lắk chủ yếu là lũ, ngập lụt, dông lốc, hạn hán thường gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân... Do đó, tỉnh rất mong Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh các phương tiện, dụng cụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cũng như bố trí ngân sách kịp thời để khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi...

ảnh
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đi kiểm tra thực tế tại hồ chưa Ea H'leo (huyện Ea H'leo)

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao kết quả phòng chống thiên tai của Đắk Lắk, điều này cũng đã được khẳng định thông qua bảng xếp hạng toàn quốc về Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu đang khó lường cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, để làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai thì về chuyên môn cần nghiên cứu cụ thể đối với những loại hình thiên tai mới có thể xuất hiện như đối với điện năng lượng mặt trời…

Đối với những công trình thủy lợi đã được xây dựng lâu năm, mặc dù rất khó để khắc phục ngay tình trạng xuống cấp của các công trình hồ đập này nhưng tỉnh cần có kế hoạch, phương án ứng phó trong tình trạng nguy cấp và trao đổi dữ liệu này với các cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai ở địa phương để có những cảnh báo về phòng tránh thiên tai tốt hơn...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.