Multimedia Đọc Báo in

Học sinh THCS công lập sẽ được miễn học phí

15:53, 18/09/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT tăng cường đôn đốc, kiểm tra các địa phương về công tác chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 đạt kết quả cao nhất; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về lộ trình học phí, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS công lập và mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học công lập để học sinh mượn dùng.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh huyện Krông Bông
Buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh huyện Krông Bông.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ GD-ĐT đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS công lập trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023 và đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa. Ước tính, cả nước có 55 triệu học sinh, ngân sách cấp bù miễn học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học thì chi 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách Nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022 - 2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định).

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đang thực hiện thì học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù được miễn học phí.

Nếu học sinh THCS công lập được miễn học phí, hàng triệu gia đình sẽ được giảm gánh nặng học hành và các em có thêm cơ hội được đến trường. Đây sẽ là nguồn động viên, tiếp sức tích cực trong năm học này.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.