Multimedia Đọc Báo in

Mùa Trung thu lại “nóng” chuyện thực phẩm “bẩn”

07:53, 07/09/2022

Cận kề Tết Trung thu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được người tiêu dùng quan tâm đặt lên hàng đầu. Đây cũng là lĩnh vực được các ngành chức năng và các địa phương tập trung kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các sản phẩm “bẩn” xuất hiện trên thị trường.

Mạnh tay xử lý thực phẩm “bẩn”

Điều kiện vệ sinh chung của khu vực sản xuất, nơi bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thành phẩm chưa bảo đảm vệ sinh; chưa thiết kế, bố trí các khu vực sản xuất theo quy tắc một chiều; không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất, kinh doanh… là những vi phạm mà Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP. Buôn Ma Thuột phát hiện qua đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn trong dịp cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2022.

Nguyên liệu tại cơ sở bánh mì Đức Chính (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) bày lộn xộn trong không gian chật hẹp.

Tại cơ sở sản xuất bánh mì Đức Chính, trên đường Lê Duẩn, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), từ khu vực trưng bày sản phẩm đến nơi sản xuất vật dụng, máy móc bố trí một cách lộn xộn, nhếch nhác. Bột làm bánh được để sơ sài trong thùng nhựa, đặt trên nền nhà, không nắp đậy; các nguyên liệu khác như trứng, dầu ăn, phụ gia đều “bị” vứt lăn lóc mỗi thứ mỗi nơi, thậm chí bột bánh đã được nhồi bỏ trần trên kệ bếp mà không hề có bao bì, hộp bảo vệ. Lò nướng, khay đựng bánh đều hoen gỉ, các vật dụng vắt ngang trên lò nướng, lẫn lộn với bánh mì thành phẩm. Trong một không gian chật hẹp, máy nhào bột, lò sấy sắp xếp lộn xộn, không tuân thủ quy tắc một chiều trong sản xuất thực phẩm. Khu vực bán bánh, thịt rơi vương vãi, nền nhà không được lau dọn, vệ sinh. Phía trên trần nhà, dậy điện chằng chịt, không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Tương tự, tại tiệm bánh kem Nari’s Bakery trên đường Hoàng Diệu, phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột), từ khu vực bày bán sản phẩm, khu để nguyên liệu (tầng 1) đến khu vực sản xuất (tầng 2) nền nhà dơ bẩn, trơn trượt vì dầu ăn bám vào. Cơ sở này cũng không tuân thủ nguyên tắc một chiều trong sản xuất thực phẩm, nhân công không được trang bị đồ bảo hộ, không đeo găng tay trong quá trình chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra tủ cấp đông, Đoàn liên ngành thành phố phát hiện một số nguyên liệu làm bánh có dấu hiệu hết hạn sử dụng, một số sản phẩm bánh trung thu không ghi nơi sản xuất…

Sau một tuần thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành vệ sinh ATTP trong mùa Trung thu năm nay, Đoàn kiểm tra liên ngành TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra tại 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện 5 cơ sở vi phạm các điều kiện ở một số nội dung về ATTP, trong đó 2 cơ sở (nêu trên) vi phạm “nặng”. Qua đó, đối với các cơ sở có sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, Đoàn tiến hành tiêu hủy tại chỗ (sản phẩm của tiệm bánh kem Nari’s Bakery, sản phẩm của hộ kinh doanh Lợi Tâm, đường Hoàng Diệu). Mới đây nhất, trong sáng 5/9, sau khi phát hiện cơ sở sản xuất bánh mì Đức Chính vi phạm các quy định về ATTP, Đoàn liên ngành yêu cầu chủ cơ sở tạm dừng sản xuất cho đến khi khắc phục các tồn tại.

Đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP

Cùng với TP. Buôn Ma Thuột, những ngày qua, các địa phương và ngành chức năng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lồng ghép với tuyên truyền nâng cao nhận thức về vệ sinh ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Đoàn liên ngành TP. Buôn Ma Thuột nhắc nhở chủ cơ sở bánh mì Đức Chính (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) khắc phục các tồn tại trong hoạt động sản xuất.

Thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu năm 2022 của UBND tỉnh, cuối tháng 8 vừa qua, Sở Y tế đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp tăng cường bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm Tết Trung thu năm 2022; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn cộng đồng. Đồng thời thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát... Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm để phát hiện sớm, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kỹ thuật để xử lý khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra.

Theo bác sĩ CKI Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Trung thu, ngay từ những tuần trước Tết Trung thu, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh biết, thực hiện các quy định về ATTP. Đối với đơn vị sản xuất phải đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, an toàn, quá trình chế biến sản phẩm không dùng các loại chất bảo quản, chống mốc cũng như các phụ gia độc hại. Đối với người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn sản phẩm, trở thành người tiêu dùng thông thái bằng cách mua bánh Trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không sử dụng bánh đã mốc, hỏng. Khi mua sản phẩm về mở ra sử dụng cũng cần quan sát màu sắc bên trong, mùi vị đặc trưng của bánh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, ngưng sử dụng sản phẩm để đề phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị còn thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để trực tiếp thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có sản xuất các sản phẩm có liên quan trong dịp Tết Trung thu như các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.