Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk và những dấu mốc đáng nhớ (Kỳ 2)

05:44, 10/01/2023

Tranh thủ thời gian dịch COVID-19 tạm thời được kiểm soát (3 lần trong hơn hai năm qua), ngành du lịch Đắk Lắk đã chủ động liên kết, hợp tác phát triển với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nhằm duy trì, ổn định thị trường khách hàng truyền thống của mình.

Kỳ 2: Chủ động liên kết, hợp tác phát triển

Bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk cho biết: Bắt đầu từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 6/2020 (đợt kiểm soát đại dịch đầu tiên) - tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng cộng đồng làm du lịch ở đây đã có ít nhất 5 cuộc gặp gỡ, trao đổi, ký kết và hợp tác phát triển du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại đây, các bên tham gia - từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến các chuyên gia, nhà tài trợ chương trình kích cầu du lịch Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng đã đưa ra giải pháp cụ thể (đảm bảo điểm đến/sản phẩm an toàn; giảm giá nhưng không giảm chất lượng; ưu tiên khai thác du lịch nội địa) để vực dậy ngành kinh tế quan trọng này.

Những doanh nghiệp tham gia hợp tác phát triển, hầu hết đều tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch của mình thông qua các hoạt động như famtrip, roadshow… Du lịch Đắk Lắk đã tích cực xúc tiến đến du khách những sản phẩm đặc thù, an toàn và thân thiện (văn hóa cà phê, voi, cồng chiêng và lễ hội truyền thống) thông qua trang tin điện tử có tên miền: http//daktip.vn và http://www.dulichdaklak.gov.vn cùng một số video, đĩa DVD cũng như nhiều ấn phẩm giới thiệu về tour/tuyến du lịch tiêu biểu, đặc sắc khác mang thương hiệu “Đắk Lắk - Điểm đến của cà phê thế giới”. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đã chủ động xây dựng hệ thống thông tin du lịch hiện đại, có khả năng tương tác, ứng dụng hữu hiệu trên các thiết bị di động thông minh, mạng xã hội để kích hoạt trở lại thị trường du lịch truyền thống lẫn thị trường mới xác lập ở trong nước bị “đóng băng” trong khi đại dịch hoành hành từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2021.

Khách quốc tế tham quan danh thắng hồ Lắk.

Hơn thế, dấu mốc quan trọng và đáng ghi nhận trong giai đoạn này - theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđok đó là, ngành du lịch ở đây đang được các ngành kinh tế khác đồng hành, chia sẻ…, nhất là qua sự kiện Vietnam Airlines khai trương hai đường bay mới nối Buôn Ma Thuột với Cần Thơ và Hải Phòng từ giữa năm 2021 đã mở ra cơ hội cho du lịch ở vùng đất giàu bản sắc này phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn. Và cũng nhờ vậy mà mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch Đắk Lắk trong năm 2021 đón khoảng 825.000 lượt khách, đạt doanh thu 700 tỷ đồng đã hoàn thành kế hoạch.

 

Khách quốc tế cũng từng bước gia tăng nhờ Đắk Lắk đã kết nối lại bình thường với các Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi, Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE-HCMC) cùng nhiều khu vực khác trong năm. Đây là những thị trường quan trọng trước mắt để cải thiện số lượt khách quốc tế đến với Đắk Lắk ngày càng nhiều hơn với khoảng 30.000 lượt trong năm 2023”.

 
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk.

Đặc biệt, từ trung tuần tháng 3/2022 vừa qua, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều mở cửa đón du khách trở lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành du lịch Đắk Lắk đã thực hiện chỉ đạo này hết sức linh hoạt, đồng bộ và thống nhất qua những “hoạt động kép” lồng ghép giữa việc tìm kiếm, đưa - đón du khách kết hợp với giới thiệu và quảng bá hình ảnh, vị thế của mình trên bản đồ du lịch cả nước.

Theo bà Chung, từ khi được mở cửa đón du khách trở lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song song với hoạt động phục vụ, đón tiếp du khách, hầu hết 21 điểm đến, 25 hãng lữ hành nội địa và quốc tế trên địa bàn Đắk Lắk đã tập trung đẩy mạnh mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch với khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó đáng chú ý là công tác trên đã được đánh giá, điều chỉnh và triển khai theo hướng tập trung hơn vào từng thị trường khách du lịch ở khắp các vùng miền được ký kết hợp tác trước khi dịch bệnh xảy ra, cũng như trong thời gian dịch bệnh được kiểm soát, khống chế và đẩy lùi (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, ASEAN).

Du khách tham quan cầu treo Buôn Đôn. Ảnh: H.Hùng

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Về cơ chế kích cầu, liên kết, hợp tác phát triển du lịch Đắk Lắk hiện đang có bước tiến đáng kể, ngày càng mang lại hiệu quả tích cực cho ngành kinh tế quan trọng này. Bên cạnh hàng chục cuộc khảo sát, hợp tác, quảng bá du lịch giữa Đắk Lắk và ngược lại với khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian qua, gần đây nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo ký kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Tây Nguyên (lấy Đắk Lắk làm trung tâm) với các vùng miền khác như: Đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung; Tây Nam Bộ cũng như một số thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ… được hai bên khảo sát, hình thành tour/tuyến du lịch nhằm gia tăng lượng khách đến đây và ngược lại. Đây cũng là cơ sở để ngành du lịch Đắk Lắk lạc quan khi đặt ra mục tiêu đón 1 – 1,3 triệu lượt khách cho năm 2023.

  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.