Multimedia Đọc Báo in

Tòa án nhân dân hai cấp: Giải quyết đạt 92,2% các vụ việc đã thụ lý 

19:35, 04/01/2023

Chiều 4/1, Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND tỉnh năm 2022 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Đến dự có các đồng chí: Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán TAND tối cao, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022, TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết 13.267/14.384 vụ, việc đã thụ lý các loại (đạt 92,2%). Trong đó, giải quyết theo trình tự sơ thẩm 12.479/13.591 vụ, việc; giải quyết theo trình tự phúc thẩm 788/793 vụ. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được nâng cao, tỉ lệ bản án, quyết định của tòa án hai cấp bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa do lỗi chủ quan chiếm 0,88% (thấp hơn mức quy định của Quốc hội và TAND tối cao đặt ra).

Trong năm, TAND tỉnh đã tổ chức kiểm tra đối với 15 đơn vị TAND cấp huyện, trực tiếp kiểm tra đối với 768 hồ sơ vụ án, 88 hồ sơ thi hành án và 5.069 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do tòa án cấp huyện giải quyết. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót trong công tác nghiệp vụ.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xử lý kịp thời không để xảy ra tình trạng tồn đọng, kéo dài. Trong năm 2022, TAND hai cấp đã thụ lý 85 đơn khiếu nại, 8 đơn tố cáo về quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Qua xác minh sự việc, TAND hai cấp chấp nhận nội dung khiếu nại đối với đối với 6 đơn; chấp nhận một phần nội dung khiếu nại đối với 17 đơn; không chấp nhận đối với 66 đơn; số đơn còn lại đang tiếp tục giải quyết.

Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu báo cáo một số thành tích của ngành TAND tỉnh.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu báo cáo một số thành tích của ngành TAND tỉnh.

Thực hiện Đề án xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, từ ngày 1/1/2022, Tòa án hai cấp đã triển khai đồng bộ việc nhập dữ liệu thông tin, số hóa bản án, các quyết định tố tụng đã ban hành trong quá trình thụ lý, giải quyết cho đến giai đoạn lưu trữ hồ sơ.

Bên cạnh đó Tòa án hai cấp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án như: khai thác sử dụng phần mềm Trợ lý ảo; dịch vụ công trực tuyến đã liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia; phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong hệ thống Tòa án; tổ chức các phiên tòa trực tuyến dựa trên hệ thống thiết bị phòng họp trực tuyến…

Các đơn vị nhận Cờ thi đua của TAND tối cao.
Đại diện các tập thể của ngành TAND tỉnh nhận Cờ thi đua của TAND tối cao.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật mà ngành TAND tỉnh đạt được trong năm 2022. Đồng chí đề nghị TAND hai cấp của tỉnh cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách tư pháp; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, bảo đảm công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật..., không để xảy ra việc xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án tỉnh, bảo đảm tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...

Tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong TAND hai cấp, khai thác hiệu quả các ứng dụng vào trong hoạt động quản lý, điều hành, quản trị trên nền tảng số...

Năm 2022, TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND huyện Buôn Đôn và TAND TP. Buôn Ma Thuột là 3 đơn vị xuất sắc được Chánh án TAND tối cao tặng Cờ thi đua TAND. Ngoài ra, TAND tối cao cũng tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho 8 tập thể; tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua TAND cho 4 cá nhân; tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 25 cá nhân của TAND hai cấp.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.