Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng kinh tế năm 2023: “Sức ép” 6 tháng cuối năm

08:23, 13/07/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ với những giải pháp đột phá, quyết liệt.

Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt, chủ động, kịp thời của UBND tỉnh và các cấp, ngành, kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH của tỉnh có những chuyển biến tích cực.

Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP – giá so sánh năm 2010) ước đạt 24.933,62 tỷ đồng, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 810 triệu USD, bằng 50,6% kế hoạch (KH), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 50.836 tỷ đồng, bằng 55,3% KH, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, dịch bệnh được kiểm soát; chính sách dân tộc tiếp tục được quan tâm; nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8; Dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột triển khai đúng tiến độ; tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xử lý dự án tồn đọng kéo dài; tập trung thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống nhân dân…

Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành. Ảnh: Vạn Tiếp

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế khẳng định: Những kết quả đạt được trong thực hiện KH phát triển KT-XH 6 tháng qua là rất quan trọng, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành. Tuy nhiên, với một số chỉ tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng 4,01%); huy động vốn đầu tư toàn xã hội (44,7% KH); giải ngân các nguồn vốn đầu tư công (23% KH), nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia; thu ngân sách đạt thấp so với KH (40,1%); cùng với số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng (85 doanh nghiệp giải thể, 570 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động)… là những vấn đề lớn mà UBND tỉnh cần hết sức quan tâm để đề ra những giải pháp tháo gỡ và đẩy mạnh cho 6 tháng cuối năm 2023.

Cần những giải pháp đột phá

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhận định: Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ KH đã đề ra năm 2023 là thách thức rất lớn. Vì vậy, bên cạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục bám sát các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, KH phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025 và năm 2023 để rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, KH đề ra, nhất là các chỉ tiêu dự báo có khả năng không đạt, chỉ tiêu đạt thấp trong 6 tháng đầu năm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hoàn thành KH…

Du khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023. Ảnh: Vạn Tiếp
 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường trách nhiệm và tính chủ động xử lý, bám sát công việc của người đứng đầu; động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động tập trung xử lý công việc, nhiệm vụ được giao; triệt để xử lý những cá nhân đùn đẩy trách nhiệm; tâm lý làm việc cầm chừng ảnh hưởng tiến độ chung của cơ quan, đơn vị…”.

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Cùng chung nhận định về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cho rằng: Với KH cả năm 2023 đề ra, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn là 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế 7,96% thì nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Nếu không có sự đột phá, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện đầu tư các dự án lớn, trọng điểm thì khó có khả năng hoàn thành KH.

Do đó, UBND tỉnh cần rà soát kịch bản tăng trưởng để có giải pháp cho các lĩnh vực tăng trưởng thấp; tiếp tục rà soát lại các dự án đã đăng ký đầu tư, đánh giá đúng khả năng triển khai thực hiện, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc; tập trung tìm giải pháp để giải ngân hết vốn đầu tư trong KH được giao, cũng như các nguồn vốn Trung ương bổ sung; triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương phân bổ giao vốn theo đúng KH, hạn chế thấp nhất chuyển nguồn sang năm sau, nhằm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH đã đề ra trong năm…

Tại kỳ họp, nhiều giải pháp thiết thực cũng được đề ra như: đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, thu ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính; tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình các địa bàn trọng điểm, an ninh dân tộc, tôn giáo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc