Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết năm 2023: Giải pháp căn cơ "vực" các chỉ tiêu đạt thấp

07:10, 24/10/2023

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,8 - 8%, là tiền đề, cơ sở cho năm 2024 nhằm tạo “sức bật” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tuy nhiên, sau 9 tháng năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh có tăng nhưng vẫn chưa đạt kịch bản tăng trưởng. Để hoàn thành mục tiêu nghị quyết năm 2023, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể đối với các chỉ tiêu đạt thấp.

Căn nguyên những chỉ tiêu đạt thấp

Theo kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra thì 9 tháng năm 2023 tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kết quả thực tế chỉ tăng 3,92%. Con số này không chỉ thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng trưởng đề ra mà còn thấp hơn bình quân chung cả nước (4,24%).

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng giai đoạn 2 đang được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh tập trung triển khai thực hiện

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng cũng đạt thấp. Chẳng hạn như: thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 5.523 tỷ đồng (đạt 54,7% kế hoạch, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó thu biện pháp tài chính chỉ bằng 33,3% kế hoạch. Tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia, công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

 

“Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, làm cơ sở thu hút đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời, rà soát, điều chuyển vốn hợp lý để giải ngân các nguồn vốn theo quy định; triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng cường thu ngân sách” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung.

Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện dự án là 5.667 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 9 mới giải ngân đạt 46% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 37% kế hoạch tỉnh giao. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là 792 doanh nghiệp (tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp cũng giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (mở rộng) mới đây, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã phân tích làm rõ nguyên nhân mức tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu quan trọng của tỉnh đạt thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có một số nguyên nhân chính như: tình hình kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, tác động của đại dịch COVID-19, giá cả một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu thường xuyên biến động làm ảnh hưởng đến đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, công tác dự báo tình hình chưa sát với thực tế. Một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tìm được nhà đầu tư, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh bị đóng băng. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, thiếu đất đắp cho công trình. Lượng tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp lớn đạt thấp nên nộp ngân sách giảm. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 30% tiền thuê đất, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường… đã ảnh hưởng đến nguồn thu.

Tháo gỡ bằng các giải pháp cụ thể

Chỉ rõ những khó khăn trong công tác thu ngân sách nhà nước, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho rằng, với rất nhiều khó khăn, năm 2023, toàn tỉnh dự kiến thu được khoảng 8.000 tỷ đồng, thấp hơn 2.500 tỷ đồng so với chỉ tiêu nghị quyết năm 2023.

Để đạt số thu trên, Sở tập trung tham mưu, trực tiếp chỉ đạo công tác thu thuế, phí, lệ phí đạt chỉ tiêu giao là 5.330 tỷ đồng. Các dự án điện gió hoạt động cũng sẽ kéo một số khoản thu lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc đấu giá đất nền, thu tiền sử dụng đất nhằm đạt chỉ tiêu Trung ương giao là 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; chú trọng thu thuế xuất nhập khẩu. Các huyện cũng cần tăng cường chỉ đạo công tác thu ngân sách năm 2023, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Ea Kar.

Nêu quan điểm về tầm quan trọng của việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó hình thành thêm 4 vùng phát triển kinh tế nông nghiệp gồm: cà phê, tiêu; ngô; lúa và cây ăn quả, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ Nguyễn Thị Thu Nguyệt kiến nghị, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cần hình thành ban điều phối các vùng nhằm định hướng, phát huy lợi thế từng vùng, liên kết các vùng phát triển bền vững vừa giải quyết bài toán đầu ra, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, vừa đóng góp vào giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.

Để tăng nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí, Cục Trưởng Cục Thuế Bùi Văn Chuẩn cho biết, ngành thuế tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ; tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố nhằm quyết tâm thực hiện đạt dự toán là 5.330 tỷ đồng. Ngành thuế cũng đã tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động của 9 tháng năm 2023, đề ra các giải pháp triển khai thực hiện, khai thác tối đa nguồn thu. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu và triển khai việc thu tiền sử dụng đất đạt dự toán 1.600 tỷ đồng như đã cam kết.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.