Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác phối hợp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người

14:50, 27/03/2024

Sáng 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh chủ trì hội nghị.

Phó Giám đôcSở Y tế Hoàng Nguyên Duy phát biểu tại điểm cầu Đắk Lắk.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Nguyên Duy phát biểu tại điểm cầu Đắk Lắk.

Hơn hai thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới, trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tại Việt Nam, có 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên phối hợp giữa ngành Y tế và ngành NN-PTNT, gồm: cúm A (H5N1), bệnh dại, liên cầu khuẩn lợn, bệnh than (nhiệt thán), xoắn khuẩn vàng da (leptospirosis). Trong đó, đặc biệt nguy hiểm và có tỷ lệ người tỷ vong cao là bệnh cúm gia cầm và bệnh dại.

Trong ba tháng đầu năm 2024, với cúm A (H5N1), cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 6 tỉnh (Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang), buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong thời gian này, cả nước đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh và đã tử vong (vào tháng 3/2024).

Đối với bệnh dại, cả nước ghi nhận 56 ổ dịch trên đàn chó, mèo tại 25 tỉnh, thành phố; số chó, mèo mắc bệnh 86 con; số chó, mèo chết và tiêu hủy 192 con. Đặc biệt, số ca mắc trên người tiếp tục tăng đột biến, với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết, giai đoạn 2019 - 2023, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 5 ca tử vong do bệnh dại và khoảng 6.000 người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng.

Chỉ riêng trong các tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại; đồng thời đã tiêu hủy 10 con chó mắc và nghi mắc bệnh dại. Đối với bệnh cúm gia cầm, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn không ghi nhận ổ dịch nào.

Để phòng chống bệnh lây từ động vật sang người trên địa bàn đạt kết quả tốt nhất, Đắk Lắk đề nghị Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh về công tác chuyên môn cũng như kinh phí để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người nói riêng. Trong đó, quan trọng nhất triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh…

Chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh ở hộ gia đình trên địa bàn huyện Lắk.
Chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh ở hộ gia đình trên địa bàn huyện Lắk.

Tại hội nghị, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ những biện pháp phòng, chống dịch; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người; bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người đang gây ra thiệt hại rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên hiệu quả thực hiện chưa cao.

Do đó, hai bộ cần rà soát lại cơ chế chính sách, bổ sung thêm trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch. Đối với công tác truyền thông, cần xác định đối tượng để có phương pháp tuyên truyền cụ thể, phù hợp. Đồng thời, thực hiện nghiêm các văn bản liên quan cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Sở Y tế và Sở NN-PTNT ở các địa phương phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc