Multimedia Đọc Báo in

Nạn "tham nhũng vặt" nhìn từ Chỉ số PAPI

08:48, 12/04/2024

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15.

Việc đánh giá PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công.

Chỉ số PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử. Những chỉ số nội dung được phản ánh qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với người dân.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí 

Ở đây chỉ nói đến nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, việc kiểm soát tham nhũng đã có những cải thiện đáng kể, nhưng một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Đáng chú ý là số người cho rằng cần phải dựa vào "quan hệ", phải “lót tay” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước hay khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhập viện vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Đối với Đắk Lắk, Chỉ số PAPI năm 2023 xếp vị thứ 31/61/63 tỉnh, thành phố; tăng 1,2042 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2022. Riêng chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” ở cấp tỉnh năm 2023 đã cải thiện đáng kể về điểm số (năm 2022: 6,3898 điểm; năm 2023: 6,6173 điểm), thế nhưng vẫn nằm trong nhóm "trung bình – thấp". Đáng chú ý là tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" tuy đã giảm mạnh so với năm 2021 (gần 70% số người được hỏi đã phải “chung chi”), nhưng vẫn còn gần 50% số người được hỏi có hành động này trong năm 2023. Hay như tỷ lệ người dân (có người thân hoặc bản thân) đi điều trị ở cơ sở y tế cấp huyện phải “lót tay” tăng từ hơn 30% năm 2021 lên đến gần 40% trong năm 2023...

Điều đó cho thấy mặc dù ở Việt Nam thời gian qua đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên mới chỉ đi vào giải quyết các vụ việc lớn, còn các hành vi “tham nhũng vặt” vẫn đang diễn ra tương đối phổ biến.

Căn nguyên của thực trạng này trước hết là do công tác cải cách hành chính còn chậm; giấy tờ, thủ tục còn rất phiền hà, bất hợp lý. Các chế độ kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chậm được cải cách... Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của thực trạng này một phần do chính tâm lý của người dân muốn làm cho nhanh, muốn được việc mình và đã tìm mọi cách để đạt được mục đích, trong đó có việc “biếu xén”, “lót tay” cho người thực thi công vụ. Do đó, để cải thiện vấn đề này, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, cần nâng cao giá trị đạo đức và ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường vai trò giám sát, phản biện và đấu tranh với tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc các cấp, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, cơ quan dân cử về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời mỗi người dân cũng cần thay đổi tư duy, nhận thức khi cần giải quyết công việc của mình để không “tiếp tay” cho hành vi “tham nhũng vặt”. 

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.