Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình sáng tạo trong chuyển đổi số ở Ea Yông

08:40, 02/05/2024

Xã Ea Yông là địa phương có số lượng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và giải quyết nhiều nhất trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Để đạt được kết quả 100% hồ sơ thực hiện đúng quy trình, giải quyết đúng và trước hạn thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC) và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Từ “1.000 công dân số”

Xã Ea Yông có dân số hơn 20.000 người, với hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Rào cản về trình độ, điều kiện kinh tế, cùng tâm lý ngại thay đổi, ngại tiếp cận các ứng dụng công nghệ số khiến phần lớn người dân tại địa phương chưa thực sự quan tâm đến các chính sách, yêu cầu chuyển đổi số mà Nhà nước đề ra.

Đặc biệt, khi triển khai thực hiện các TTHC trực tuyến một phần, trực tuyến toàn trình theo quy định, đại bộ phận người dân đã gặp khó khăn khi chưa cài đặt định danh điện tử, chưa chuẩn hóa thuê bao di động, chưa có tài khoản dịch vụ công…

Người dân đăng nhập tài khoản dịch vụ công theo hướng dẫn tại Hội nghị triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện”.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, đầu tháng 4/2023, UBND xã Ea Yông đã triển khai phát động mô hình “1.000 công dân số tiêu biểu”, đề ra mục tiêu trong năm 2023, trên địa bàn sẽ có ít nhất 1.000 công dân cài đặt và sử dụng thành thạo các ứng dụng định danh điện tử VNeID mức độ 2, tài khoản dịch vụ công quốc gia, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, có tài khoản ngân hàng, thanh toán bằng ví điện tử.

Mô hình lấy nòng cốt là những người trẻ, nhanh nhạy trong việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ số, như: đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, giáo viên…

Việc xây dựng các "công dân số" tiêu biểu sẽ là hạt nhân lan tỏa mức độ quan tâm, ứng dụng tiện ích công nghệ số trong các trường học, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư.

 

Với mô hình “Chính quyền thân thiện”, xã Ea Yông đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2024, 70% công dân thực hiện các TTHC tại địa phương được chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, hướng dẫn đăng ký tài khoản dịch vụ công; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến một phần, trực tuyến toàn trình theo quy định; thay đổi tư duy từ “làm hộ, nộp hộ” sang "hỗ trợ, hướng dẫn" để nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Với sự phối hợp của lực lượng công an, các đơn vị viễn thông, ngân hàng và 20 tổ chuyển đổi số cộng đồng, UBND xã Ea Yông đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và cài đặt, sử dụng các ứng dụng VNeID, tài khoản dịch vụ công, ứng dụng thanh toán không tiền mặt… tại các trường học, thôn, buôn trên địa bàn.

Đồng thời, Đảng ủy, UBND xã cũng vận động các đơn vị kết nghĩa tài trợ lắp đặt mạng wifi cho 4 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện và khuyến khích người dân sử dụng mạng Internet miễn phí phục vụ các nhu cầu đời sống.

Chỉ trong khoảng 60 ngày cao điểm thực hiện mô hình, đã có khoảng 7.850 công dân đã được chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, kích hoạt định danh điện tử mức độ 2; có 20% trong số công dân này đã được tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến, mở tài khoản ngân hàng và tiếp cận cách thức nộp hồ sơ trên điện thoại thông minh.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Ban Chỉ đạo CCHC xã cũng bố trí cán bộ hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán qua mã QR…

Đến mô hình “Chính quyền thân thiện”

Chủ tịch UBND xã Ea Yông Nguyễn Phụng Minh nhận định, hiệu quả của mô hình “1.000 công dân số” đã khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong việc xây dựng bộ máy hành chính minh bạch, thân thiện, gần gũi với công dân ngay tại cơ sở.

Thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức địa phương cần tiếp tục linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong việc hình thành công dân số, xây dựng xã hội số.

Kế thừa và phát triển mô hình “1.000 công dân số”, tháng 4/2024, UBND xã tiếp tục phát động xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các tiện ích công nghệ số.

Mô hình có sự phối hợp chặt chẽ của Viettel Đắk Lắk trong việc tổ chức các hoạt động đến tận thôn, buôn để chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và truyền thông về chính sách chuyển đổi mạng 2G lên 4G; hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang điện thoại di động phù hợp.

Cán bộ xã Ea Yông phối hợp cùng Viettel Đắk Lắk hướng dẫn người dân tại điểm nhóm Tin lành buôn Pan cài đặt và sử dụng các tiện ích số.

Trọng tâm tuyên truyền tập trung tại các điểm, nhóm tôn giáo trên địa bàn, với số lượng tín đồ hơn 2.000 người. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình, cán bộ xã đã tuyên truyền trước một bước cho các chức sắc, chức việc tôn giáo, hướng dẫn họ thực hiện các TTHC về công tác tôn giáo trên môi trường điện tử. Qua đó, các chức sắc, chức việc hiểu rõ hơn về chính sách của Nhà nước, trở thành các hạt nhân tuyên truyền về chuyển đổi số trong bà con giáo dân và cùng đồng hành với cơ quan chính quyền tổ chức các buổi hướng dẫn, hỗ trợ lồng ghép vào hoạt động sinh hoạt tôn giáo thường kỳ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Sinh, công chức văn phòng – thống kê UBND xã Ea Yông, tác giả của hai mô hình nêu trên cho rằng, trong điều kiện cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kiêm nhiệm nhiều việc, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết nhiều, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân am hiểu, sử dụng thành thạo các tiện ích công nghệ số khi thực hiện TTHC sẽ làm giảm áp lực cho cán bộ, công chức; giảm thời gian đi lại, chờ đợi của công dân. Từ đó, tâm lý người dân khi thực hiện TTHC sẽ thêm tự tin, mạnh dạn; cán bộ, công chức cũng thực sự thân thiện, gần gũi khi xử lý công vụ. Đây chính là đích đến quan trọng của công tác CCHC tại địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.