Multimedia Đọc Báo in

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột:

Chậm xử lý vướng mắc, nguy cơ trễ tiến độ!

08:31, 17/10/2024

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột hiện đã thi công được gần 60% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) ở đoạn đầu và cuối tuyến chậm được tháo gỡ khiến quá trình thi công gặp nhiều khó khăn.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4/2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư (Ban tỉnh).

Trụ điện "đứng" giữa đường

Quá trình triển khai thực hiện dự án, các đơn vị liên quan đã phát hiện có sự chồng lấn vị trí trụ điện T20 thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana giao chéo với đường tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột tại Km32+629. Vị trí này nằm trong phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk đã được Chính phủ phê duyệt. Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (đơn vị tư vấn thiết kế điện) đã gửi hồ sơ và văn bản thỏa thuận đến Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, hồ sơ thỏa thuận có sự sai lệch lớn so với thực tế.

Trụ điện T20 án ngữ giữa đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, khoảng cách từ tim đường Hồ Chí Minh quy hoạch cao tốc đến tim trụ T20 là 46,1 m. Trong khi đó, theo hồ sơ Dự án cắm cọc tim tuyến theo Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh phê duyệt tại Quyết định số 4260/QĐ-ĐHCM ngày 10/12/2015 của Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh, giới hạn hành lang an toàn đường bộ đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk có bề rộng 100 m (tim đường quy hoạch ra mỗi bên 50 m).

Như vậy, trụ T20 nằm trong phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ đường Hồ Chí Minh. Còn theo hồ sơ thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 khẳng định: “Vị trí móng trụ T20 nằm ngoài và cách ranh giới quy hoạch bên trái đường Hồ Chí Minh khoảng 20 m”. Ngoài ra, theo bản vẽ của tư vấn thiết kế (kèm theo hồ sơ xin thỏa thuận), vị trí móng trụ T20 cũng nằm phía ngoài và cách ranh quy hoạch bên trái đường Hồ Chí Minh khoảng 20 m theo tuyến đường dây điện.

Quá trình xác định thực tế của các cơ quan chức năng ghi nhận, vị trí trụ T20 ứng với tọa độ theo hồ sơ thỏa thuận nằm bên phải, trong phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ đường Hồ Chí Minh và cách tim đường 46,1 m, lệch so vị trí hồ sơ bản vẽ xin thỏa thuận ban đầu khoảng 116,1 m, dẫn đến có sự chồng lấn của 2 dự án như hiện nay.

Trước thực tế trên, các đơn vị cũng thống nhất phương án di dời trụ T20 ra khỏi vị trí hiện tại, song đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật. Việc tồn tại của trụ T20 trên dự án khiến công tác thi công, huy động máy móc, nhân công của nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Duy Tuấn, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH An Nguyên (đơn vị thi công đoạn có trụ T20 bị chồng lấn) cho biết, gói thầu có 7,8 km, hiện đã thi công khoảng 80% khối lượng. Do còn vướng mắc về GPMB một số đoạn trên tuyến nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Riêng vị trí trụ T20 nằm ngay giữa đường của dự án nên việc thi công bị ngắt quãng.

Chờ đất tái định cư

Ngoài vướng mắc trụ điện T20, dự án phát sinh 13 hộ dân cần đất tái định cư ở đoạn đầu tuyến (đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar). Công tác GPMB ở vị trí này gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, đo đạc chỉnh lý trích lục thửa đất. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 dù đã có hiệu lực nhưng các quy định về bồi thường, hỗ trợ đơn giá về cây trồng, vật kiến trúc hiện đang trong quá trình xây dựng nên cơ quan liên quan chưa có cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Cũng do chưa GPMB được vị trí này dẫn đến không thể triển khai thi công hoàn thiện hệ thống thoát nước khiến mặt đường bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho người dân và phương tiện lưu thông qua đây, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Phương tiện di chuyển rất khó khăn ở khu vực vị trí đầu tuyến dự án đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).

Ông Đặng Thọ Dần, Trưởng Phòng Điều hành dự án giao thông (Ban tỉnh) cho biết, tiến độ thực hiện công tác đền bù GPMB của dự án rất chậm, dẫn đến xảy ra nhiều bất cập, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân vùng dự án và tiến độ thi công công trình.

Để tháo gỡ vướng mắc, chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành phê duyệt bổ sung các danh mục dự án phải thu hồi đất, trong đó có trụ điện T20 đã được HĐND tỉnh thông qua.

Đồng thời kiến nghị tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có bổ sung vị trí trụ điện T20 để có cơ sở cho UBND thành phố ban hành kế hoạch thu hồi đất và ra thông báo thu hồi đất. Đối với vị trí đầu tuyến đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), chủ đầu tư kiến nghị tỉnh đề nghị UBND huyện sớm xây dựng và phê duyệt đơn giá đối với các thửa đất dự kiến bố trí tái định cư cho 13 hộ dân.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài tuyến hơn 39 km, sau điều chỉnh nguồn vốn tăng lên hơn 1.841 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020, cơ bản hoàn thành trong năm 2024, hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.