Multimedia Đọc Báo in

Gần hai thập kỷ đồng hành, sẻ chia

08:36, 15/07/2024

Trong quá trình phát triển của tỉnh, nhất là từ thời kỳ đất nước chuyển mình đổi mới, Đắk Lắk luôn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong số đó, nhiều DN không chỉ song hành với địa phương trong phát triển kinh tế mà còn gắn với bảo vệ, phát triển môi trường và xã hội, góp phần thay đổi tích cực bộ mặt của địa phương.

Cách đây gần 20 năm, bên cánh rừng cao su bạt ngàn cạnh Quốc lộ 14 (thuộc địa phận xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), một nhà máy bia hiện đại đã dần hình thành. Được khởi công vào tháng 6/2006 và hoàn thành sau 9 tháng xây dựng, công trình Nhà máy Bia Sài Gòn – Đắk Lắk giai đoạn I, công suất 25 triệu lít/năm với tổng nguồn vốn đầu tư 200 tỷ đồng chính thức đi vào sản xuất từ ngày 1/5/2007. Lúc ấy, đây là một trong những công trình sản xuất lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Chưa dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chỉ một năm sau, công ty đã đầu tư xây dựng giai đoạn II, nâng công suất nhà máy từ 25 triệu lít lên 70 triệu lít/năm, với tổng vốn thực hiện 430 tỷ đồng và đưa vào sản xuất từ tháng 9/2009. Đó cũng là một trong những điều kiện cần thiết để Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung ra đời trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị là: Công ty Bia Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Phú Yên, Sài Gòn - Đắk Lắk, trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).

Công nhân Nhà máy Bia Sài Gòn - Miền Trung vận hành dây chuyền sản xuất bia tự động. Ảnh: Nguyễn Gia

Ngay sau khi thành lập, nhiệm vụ của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung là làm sao sớm đưa hoạt động đi vào ổn định, hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, tham gia đóng góp tích cực cho địa phương.

 

Ngoài sản phẩm chính là bia Sài Gòn, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung còn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khác đó là bia lon Lowen Silver, bia Qui Nhơn, bia tươi, nước đóng chai Sêrêpốk, nước đóng chai Sapy, rượu Sêrêpốk, rượu Sâm Việt, sữa gạo lứt Bazan, sữa bắp Bazan, đồ uống xuất khẩu, dịch vụ logistics… Là công ty đại chúng lớn trong hệ thống SABECO và được vinh danh là một trong 500 DN có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam các năm 2018, 2019, 2022, 2023. Tập thể và cá nhân ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc công ty nhận được nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành trao tặng.

Vì vậy, công ty đã đề ra những giải pháp cụ thể, nhất là trong điều hành sản xuất phải đảm bảo kế hoạch, chú trọng và quan tâm hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm; đồng thời sắp xếp, đào tạo người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ mới theo hướng gọn về tổ chức bộ máy, tinh về cán bộ. Điều quan trọng nhất là có chính sách cụ thể nhằm phát huy tính tự chủ, sáng tạo, sự gắn bó của người lao động, nội bộ đoàn kết, từng bước xây dựng nét văn hóa đặc trưng của công ty.

Đặc biệt, chủ trương phát triển bền vững, hiệu quả sản xuất phải gắn với môi trường và công tác xã hội đã trở thành phong trào hành động, khơi dậy ý thức trách nhiệm, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên của nhà máy.

Do đó, bên cạnh không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất, thiết bị, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, công ty đã đẩy mạnh áp dụng và cải tiến liên tục các hệ thống quản lý tiên tiến của thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm và môi trường qua các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, ISO 50001, tiêu chuẩn FSSC 22000 và đáp ứng tiêu chuẩn SMETA – Trách nhiệm xã hội.

Đồng thời, duy trì có hiệu quả phong trào lao động sáng tạo, tập trung sâu và liên tục chủ đề tiết kiệm năng lượng. Không ngừng hoàn thiện và cải tiến, áp dụng công nghệ mới nhằm hạn chế chất thải có hại trong quá trình sản xuất. Xây dựng và duy trì nhà máy sản xuất “xanh, sạch, đẹp”. Gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động điều hành, hoạt động thương mại, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí liên quan…

Những giải pháp đúng và trúng được kiểm chứng trong thực tế, nên chỉ sau một thời gian hoạt động, công ty đã đi vào nền nếp, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đại hội đồng cổ đông giao. Kết quả sản xuất, kinh doanh liên tục nhiều năm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, công ty, cổ đông và người lao động.

Đặc biệt, công ty đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không những không cắt giảm lao động ngay cả trong giai đoạn khắc nghiệt nhất mà doanh thu, lợi nhuận của giai đoạn này của đơn vị vẫn bảo đảm kế hoạch đề ra. Đơn cử, năm 2022, doanh thu của công ty đạt trên 1.387 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 231 tỷ đồng, đóng góp ngân sách địa phương hơn 1.261 tỷ đồng. Năm 2023, tổng doanh thu gần 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 196 tỷ đồng, đóng góp ngân sách gần 1.111 tỷ đồng.

Trong ba tháng đầu năm 2024, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng doanh thu của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung vẫn đạt hơn 327 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 20 tỷ đồng, đóng góp ngân sách địa phương hơn 275 tỷ đồng. Cùng với đó, thu nhập của người lao động tại đơn vị cũng liên tục tăng qua các năm và hiện đang ở mức bình quân 19 triệu đồng/người/tháng.

Đại diện Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung nhận bảng vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2024. Ảnh: Đ.Chính

Bên cạnh là một trong những DN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung còn được biết đến là một DN thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Mới đây, công ty đã được Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vinh danh là “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2024 đã một lần nữa minh chứng cho điều này. Bởi để được vinh danh danh hiệu trên, bên cạnh chế độ phúc lợi vượt trội, luôn khuyến khích đẩy mạnh lao động sáng tạo và có chế độ khen thưởng kịp thời, tạo động lực tăng lợi nhuận, tạo giá trị mới tăng thêm thu nhập cá nhân... thì DN phải chứng tỏ được trách nhiệm xã hội của mình nơi đứng chân.

Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung, nhiều năm qua, công ty là một trong những đơn vị đóng góp ngân sách cao nhất tỉnh Đắk Lắk. Ngoài đóng góp ngân sách, công ty còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội của tỉnh nhà. Đời sống, thu nhập của người lao động đang làm việc ở nhà máy ngày càng ổn định và khá hơn. Đó là kết quả của quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, ý thức trách nhiệm, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên, nỗ lực và bền bỉ theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả  gắn với môi trường và công tác xã hội, đồng hành cùng địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.