Multimedia Đọc Báo in

Nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên ở Đắk Lắk

08:45, 01/07/2024

Nhà máy thủy điện Ea Nao - Buôn Ma Thuột (hiện thuộc địa bàn buôn Ko Siêr, TP. Buôn Ma Thuột) do một triệu phú người Pháp tên là Bourgery đầu tư xây dựng trong hai năm 1932 - 1933 được xem là nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên tại Đắk Lắk.

Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Đắk Lắk, vào ngày 13/7/1932 ông Bourgery được cấp quyền sử dụng thác nước Ea Nao ở Đắk Lắk để xây dựng nhà máy thủy điện, thời hạn cấp quyền là 50 năm kể từ ngày ký quyết định; thời gian xây dựng là hai năm. Đập ngăn thác nước Ea Nao dài 60 m, rộng 8 m xây bằng đá hộc khai thác tại chỗ, từ cửa nhận nước một kênh dẫn dài 900 m, cuối cùng là đường ống áp lực bằng thép đưa nước vào tua-bin dưới cột áp 20 m. Lưu lượng nước đạt từ 500 - 600 lít/giây, nhà máy đặt hai cụm máy phát 50 KVA, đưa điện ra bằng cáp ngầm 6 kV rồi chuyển điện về Buôn Ma Thuột.

Nhà máy thủy điện Ea Nao – Buôn Ma Thuột từng là niềm tự hào của thực dân Pháp trong lĩnh vực phát triển thủy điện tại Đông Dương thời bấy giờ. Nhờ nguồn điện này mà năm 1934 lần đầu tiên thị xã Buôn Ma Thuột có quy định giá bán lẻ điện.

Dấu tích còn lại của Nhà máy thủy điện Ea Nao - Buôn Ma Thuột.

Đến nay, sau hơn 90 năm, nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên tại Đắk Lắk giờ chỉ còn là tàn tích; các bức tường vững chãi, cửa chính, cửa sổ mái vòm nhà đèn xưa vẫn còn đó bên dòng suối lởm chởm đá. Con đập tràn với mặt đập hẹp, chỉ đủ cho một người đi; những ống dẫn nước vào tua-bin xưa chỉ còn trong phim ảnh.

Kể từ khi Nhà máy thủy điện Ea Nao - Buôn Ma Thuột được xây dựng năm 1932, phải đợi đến 74 năm sau mới lại có một doanh nhân đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện tư nhân tiếp theo tại Đắk Lắk. Đó là Nhà máy thủy điện Krông Hin ở huyện M’Drắk do kỹ sư Nguyễn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Mekong đầu tư xây dựng có tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Sau hơn hai năm thi công, nhà máy đã phát điện vào cuối tháng 7/2006.

Ban đầu nhà máy có hai tổ máy công suất 5.000 kW, hằng năm cung cấp sản lượng điện 30 triệu kW/h; đồng thời cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp cho cả vùng dân cư nơi nhà máy đứng chân. Đến nay, công suất hoạt động nhà máy này đã tăng gấp đôi so với ban đầu. Nhà máy đang được nâng cấp hồ chứa nước để đồng hành vì sự phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”. 

Đường ống xiphong dẫn nước lên Nhà máy thủy điện Krông Hin.

Rõ ràng từ rất lâu, những triệu phú, những doanh nhân đã biết nắm bắt cơ hội, tận dụng được lợi thế vùng đất để xây dựng những công trình mang lại lợi ích.

Theo tư liệu của Bảo tàng Đắk Lắk, thống kê về sản xuất điện tại Đông Dương cho thấy từ những năm 1937 - 1939 tất cả các nhà máy điện cung cấp điện lưới dân dụng ở Việt Nam do người Pháp xây dựng đều là nhà máy nhiệt điện, trừ hai nơi là Sa Pa và Buôn Ma Thuột có nhà máy thủy điện.

Từ Nhà máy thủy điện Ea Nao – Buôn Ma Thuột có công suất 40 kW, sau đó là Nhà máy thủy điện Krông Hin công suất 5.000 kW và đến những công trình lớn khác như Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah có công suất 358 triệu kW cho thấy sự phát triển lớn mạnh và hiệu quả của ngành thủy điện Đắk Lắk.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.