Multimedia Đọc Báo in

Từ đồn điền trăm năm...

08:45, 01/07/2024

Những cây cà phê đầu tiên được trồng trên cao nguyên đất đỏ bazan đã đánh dấu mở đầu lịch sử phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của Đắk Lắk. Lịch sử của cà phê trong hành trình vươn mình ra thế giới gắn với những đồn điền cà phê bạt ngàn mang dấu ấn trăm năm.

Theo tài liệu từ Bảo tàng tỉnh, sau khi đặt được ách thống trị, hoạt động chủ yếu của thực dân Pháp ở Đắk Lắk là ra sức bóc lột sức lao động của công nhân và nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), để khôi phục lại nền kinh tế, bù đắp những thiệt hại trong chiến tranh, thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác các thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương trên quy mô rộng lớn. Compagnie Agricole D’Aise (Công ty Nông nghiệp Á Châu), viết tắt là CADA là một trong những đồn điền rộng lớn như thế.

Quá trình khai thác mạnh nhất của đồn điền CADA bắt đầu từ năm 1925 đến năm 1934. Đồn điền Pháp thành lập cũng là thời điểm giai cấp công nhân Đắk Lắk bắt đầu ra đời mà chính họ là những nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa.

Di tích lịch sử CADA, một trong những điểm về nguồn, góp phần hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ảnh: Đinh Nga

CADA là nơi thực dân Pháp mở đầu việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đắk Lắk, cũng chính nơi đây, bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 40 năm xây dựng đã bị sụp đổ trong quá trình vận động của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk. CADA cũng là nơi ra đời chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh và sau đó tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ công nhân, lấy đó làm bàn đạp giành  chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột cũng như giành chính quyền trong toàn tỉnh. CADA vì vậy đã trở thành căn cứ cách mạng vững chắc trước khi thực dân Pháp tái chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và trong quá trình đấu tranh, bảo vệ những thành quả của cách mạng với một đội ngũ công nhân kiên cường, mang trong mình khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam.

Lịch sử ra đời và trưởng thành của công nhân ở CADA đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk, là sự chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk.

Có thể thấy, trong lịch sử đấu tranh cách mạng, CADA đánh dấu sự trưởng thành của công nhân góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk thì sau ngày đất nước thống nhất, CADA trở thành vùng cà phê trù phú. Diện tích cà phê robusta ở Đắk Lắk vì vậy không ngừng được mở rộng. Từ năm 1986, nhờ chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh ta đã đầu tư trồng lại mới, bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh cà phê lớn và CADA trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển cà phê Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung.

Học sinh tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử CADA. Ảnh: Đinh Nga

Di tích lịch sử CADA được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1999; Miếu thờ CADA được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2012, đã trở thành một "địa chỉ đỏ", nhằm giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý chí quật cường, truyền thống yêu nước và hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất, khơi dậy lòng tri ân, biết ơn vô hạn đến các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ công nhân, đồng bào các dân tộc đã hy sinh trong cuộc kháng chiến vì nền độc lập của dân tộc.

Mạch nguồn cà phê Việt được khơi từ lịch sử trăm năm với mồ hôi, máu xương của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống. Cho nên, vượt lên những giá trị về kinh tế, cà phê còn mang dấu ấn về văn hóa, truyền thống cách mạng của một vùng đất với sứ mệnh “kết nối toàn cầu”. Đắk Lắk – điểm đến cà phê thế giới đang dần được hiện thực hóa khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang tập trung, nỗ lực xây dựng Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới".

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc