Multimedia Đọc Báo in

Người thầy thuốc của nhân dân Tây Nguyên

08:16, 11/11/2024

Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Ái Phương (1923 – 1996) là người dân tộc Êđê, tên thật là Y Nuê Buôn Krông. Ông sinh ngày 12/5/1923 tại buôn Kôsier, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nguyên quán tại xã Ea Siên, huyện Krông Búk.

GS.BS Nguyễn Ái Phương.

Là một trong số rất ít trí thức trẻ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được nuôi dưỡng, học tập và đào tạo để trở thành người phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp, Y Nuê Buôn Krông đã sớm giác ngộ cách mạng, từ bỏ những điều kiện thuận lợi mà người Pháp và chính quyền thuộc Pháp dành cho lúc bấy giờ để đi theo Đảng, Bác Hồ.

Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là Ủy viên UBND giải phóng lâm thời tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Y tế tỉnh, sát cánh cùng với đồng chí, đồng bào và nhân dân địa phương khởi nghĩa giành chính quyền ở Buôn Ma Thuột. Sau đó, ông đã được giao nhiều trọng trách như: Giám đốc Bệnh viện chiến khu Mặt trận Thừa Thiên – Huế (1945 - 1948); Quân y vụ trưởng Khu XII, Quân y trưởng E120 kiêm Dân y trưởng Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên (1948 - 1954).

Khi tập kết ra Bắc, ông làm Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 325 (1957 - 1958); Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Quân đội (1958 - 1961), rồi được cử đi học ở Học viện Quân Y Kirop Liên Xô (1961 - 1964); Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ Trường Đại học Quân y (1964 -1975). Từ tháng 3/1975 – tháng 9/1975, Nguyễn Ái Phương là chuyên viên dịch tễ quân y, Bộ Tư lệnh tiền phương Chiến dịch Xuân 1975.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 22/10/1975 Viện Vệ sinh Dịch tễ - Sốt rét Tây Nguyên được thành lập, bác sĩ Nguyễn Ái Phương được Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm làm Viện trưởng. Trụ sở của Viện đặt tại thị xã Buôn Ma Thuột. Những ngày đầu mới được thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Viện vô cùng thiếu thốn, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu lại hoạt động trên địa bàn rộng, dân trí thấp, nghèo nàn, lạc hậu, an ninh chính trị diễn biến phức tạp. Khi ấy, trên địa bàn Tây Nguyên, các dịch bệnh như sốt rét, dịch hạch... hoành hành, vệ sinh môi trường kém, suy dinh dưỡng trẻ em ở mức độ trầm trọng, trong khi đó cơ sở y tế và mạng lưới y tế vừa mới được xây dựng, khó khăn chồng chất khó khăn.

Trước tình hình đó, Viện trưởng Nguyễn Ái Phương cùng Ban lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên vừa chăm lo xây dựng đơn vị vừa triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao, trực tiếp chỉ đạo hoạt động y học dự phòng, nhất là phòng chống các bệnh dịch đang lưu hành trong khu vực. Với phương châm "Đâu có dịch là ta có mặt", GS Nguyễn Ái Phương trực tiếp cùng cán bộ của Viện đến một số ổ dịch nghiên cứu phòng chống, khống chế các bệnh dịch hạch, sốt rét, các bệnh đường ruột...

Trong đó, dịch hạch là bệnh dịch vô cùng nguy hiểm. Vào những năm 1970 - 1990, tại nước ta hằng năm có đến hàng nghìn người mắc và hàng trăm trường hợp tử vong do dịch hạch, trong đó khu vực Tây Nguyên được xác định là địa bàn trọng điểm. Với trách nhiệm là Trưởng tiểu ban phòng chống dịch hạch (Bộ Y tế), GS Nguyễn Ái Phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các địa phương phòng chống, từng bước khống chế bệnh dịch nguy hiểm này, từ đó số ca mắc, tử vong đã giảm đi rõ rệt.

Cùng với đó, với vai trò là Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực, GS Nguyễn Ái Phương đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra sát sao công tác này, cùng với y tế các địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Các vấn đề về y học lao động, vệ sinh môi trường, y tế học đường và phòng chống suy dinh dưỡng cũng được ông và Ban lãnh đạo Viện quan tâm, theo dõi và chỉ đạo, nhất là vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

GS Nguyễn Ái Phương cho trẻ em uống vắc xin Sabin tại tỉnh Kon Tum năm 1991. Ảnh tư liệu

Vừa chủ trì nghiên cứu khoa học vừa tham gia giảng dạy và đào tạo đại học, sau đại học, GS Nguyễn Ái Phương đã chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về dịch tễ học và phòng chống dịch hạch ở Việt Nam đều đạt loại xuất sắc và khá. Ngoài ra còn nhiều đề tài cấp Bộ Y tế, liên bộ y tế - quốc phòng, cấp cơ sở do ông chủ trì đều đã được triển khai và nghiệm thu, được đánh giá cao. Những nghiên cứu trên đã đóng góp to lớn cả về lý luận và thực tiễn trong việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch hạch. Ông cũng đã trực tiếp hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y, sinh học và tham gia giảng dạy cho sinh viên Khoa Y, Đại học Tây Nguyên về chuyên ngành dịch tễ học.

Khó có thể nói hết được những đóng góp và công lao của GS.BS Nguyễn Ái Phương trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Gần 50 năm cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng I; Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng I; Huân chương Quân công hạng II; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng I, II, III; Danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân"; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết"; Huy chương "Vì sức khoẻ nhân dân"; Huy chương "Vì sự nghiệp khoa học công nghệ"; Huy chương "Vì sức khỏe của trẻ em miền núi" và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ghi nhận công lao đóng góp của ông, đã có một con đường, một trường học tại tỉnh Đắk Lắk được mang tên ông – Y Nuê. Bức tượng GS.BS Nguyễn Ái Phương - Viện trưởng đầu tiên đã được xây dựng trong khuôn viên của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Các thế hệ cán bộ trẻ của Viện vẫn đang tiếp tục theo gương ông, nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

GS.TS, NGƯT Đặng Tuấn Đạt

(Nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên)


Ý kiến bạn đọc