Ghế!!!
1. Ghế - cuộc đời này không ai là không biết đến chiếc ghế. Ấy là một vật dụng gắn liền với nhiều hoạt động trong cuộc sống của con người, từ nghỉ ngơi, làm việc, hội họp đến di chuyển.
Văn minh và sự hiện đại của loài người, dưới góc độ kiến trúc nội thất cũng có thể nhận thấy qua việc thiết kế, chế tác, sản xuất những mẫu ghế. Dòng chảy lịch sử từ cổ đại đến nay, có những mẫu ghế phản ánh phần nào các quan điểm, phong cách thẩm mỹ và công nghệ của mỗi thời kỳ. Trong đó không thể không nhắc đến ghế móng ngựa triều Minh (Trung Hoa thời trung đại); ghế Louis XIV, XVI (Pháp); Ghế bành mạ vàng (Nga – cuối thế kỷ XVIII); ghế phòng khách; ghế Wassily; ghế Barcelona; ghế La Chaise; ghế Lar; ghế Lapella (từ năm 1970 đến nay)…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế. Ảnh: Tuyengiao.vn |
2. Ghế là ghế, chỉ là vật dụng để ngồi, tất thảy ai đều biết, thậm chí nhiều người sẵn sàng nhường ghế theo phép lịch sự. Nhưng khi ghế không đơn giản chỉ là chỗ ngồi bình thường mà là địa vị xã hội, là chuyện làm quan, là chức vụ, là quyền lực thì quả thực phức tạp và sinh ra nhiều chuyện từ “ghế”. Ấy là thích “ghế”, ham “ghế”, tranh “ghế”, mua “ghế”, giữ “ghế”; có “ghế” rồi thì muốn “ghế” cao hơn, to hơn. Không bàn đến vấn đề quy trình bổ nhiệm và sẽ không băn khoăn nhiều nếu chủ nhân của "ghế" có đủ năng lực để ngồi vừa “ghế”. Nhưng sẽ để lại nhiều hậu quả không thể đong đếm nếu “ghế” quá khổ, quá to, quá rộng với những người thiếu đức và còn khuyết cả tài. Bởi khi ngồi “ghế” không phù hợp sẽ không chỉ làm hỏng một con người mà có khi cả một tổ chức.
3. Bản thân “GHẾ” – QUYỀN LỰC luôn sẵn có những khuyết tật bẩm sinh: lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực. Khuyết tật bẩm sinh ấy khi không được kiểm soát, theo dõi sẽ là mầm mống của nhiều căn bệnh khác, lộng hành ở nhiều lĩnh vực, thậm chí sâu xa cả trong chính sách; để vợ, chồng, con cái, người thân nhúng tay, can thiệp, điều hành chiếc “ghế” quyền lực. Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền chính là để hiện thực hóa quan điểm phải "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Cái “lồng cơ chế” đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước, là sự tín nhiệm của nhân dân đối với đội ngũ công bộc của dân.
4. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực Nhà nước để “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Tuy nhiên, dù đã được đề cập nhiều nhưng nhân dân vẫn kỳ vọng những giải pháp mang tính sâu rễ được thực hiện hiệu quả, đột phá, mạnh mẽ hơn để những người được nắm trọng trách quyền lực sử dụng, phát huy đúng và trúng vai trò, trách nhiệm của mình. Ấy là để “không muốn tham nhũng” phải cải cách tiền lương, “không dám tham nhũng” phải tăng nặng chế tài, “không thể tham nhũng” phải bịt kín các kẽ hở của luật, công khai, minh bạch, kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức. Đồng thời thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ để người hiền tài có đất dụng võ. Với những chức danh do bầu cử thì phải có chương trình, hành động cụ thể và có kế hoạch, lộ trình rà soát, kiểm tra, đánh giá kịp thời. Với những chức danh do bổ nhiệm thì phải thi tuyển nghiêm ngặt dưới sự giám sát của các chủ thể khách quan.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc