Multimedia Đọc Báo in

Những chuyến xe yêu thương đón người dân từ Đồng Nai về Đắk Lắk

20:41, 20/08/2021

Trong cơn mưa tầm tã của buổi chiều cuối tuần, những chuyến xe yêu thương đã chở gần 350 công dân có hoàn cảnh khó khăn từ vùng dịch Đồng Nai về đến địa Đắk Lắk an toàn.

Chưa đầy 24 giờ kể từ thời điểm xuất phát (tối 19-8), Đoàn công tác của UBND tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ đón những công dân Đắk Lắk có hoàn cảnh khó khăn trở về địa phương trong thời điểm dịch bệnh.

Đón công dân từ Đồng Nai trở về địa phương.

Để đưa đón công dân về trong đợt này, những ngày qua, các ngành chức năng của địa phương đã lên danh sách cụ thể người được đón về và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Đồng Nai trong việc tổ chức để đưa người dân về Đắk Lắk.

Đoàn xe chở gần 350 công dân về tới Đắk Lắk lúc 16 giờ ngày 20-8
Đoàn xe chở gần 350 công dân về tới Đắk Lắk lúc 16 giờ ngày 20-8.

Theo một thành viên đoàn công tác cho biết, với số lượng 346 người, các công dân được bố trí đi trên 22 chiếc xe khách (xe do Tập đoàn Phương Trang - Futa Group hỗ trợ miễn phí), mặc trang phục bảo hộ và đảm bảo giữ khoảng cách an toàn trên xe để phòng chống dịch COVID-19 để về tỉnh.

Toàn bộ đoàn xe di chuyển về địa bàn hầu như đi liên tục, mỗi công dân và thành viên trong đoàn đều ăn uống theo suất riêng.

Trong số các công dân trở về từ Đồng Nai có nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai.
Trong số các công dân trở về từ Đồng Nai có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai...

Ngay khi xe về đến nơi, chờ đón những công dân là đại diện các cơ quan chức năng, lực lượng y tế và lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện. Để chuẩn bị cho việc hỗ trợ công dân, trước giờ đoàn xe về tới lực lượng đoàn viên thanh niên đã chuẩn bị sẵn các phần đồ ăn (cháo, sữa, bánh, nước uống đóng chai) và trang bị phương tiện bảo hộ đầy đủ sẵn sàng hỗ trợ công dân khi xuống xe.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Phan Thị Trinh cho biết, đối với các đợt đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trở về, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã có sự kết nối với Thành đoàn và Tỉnh đoàn của các địa phương để hỗ trợ liên hệ, đưa đón công dân, phân luồng, xét nghiệm nhanh và bố trí cho bà con lên xe trở về.

Ngoài ra, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn cũng phân bổ phù hợp lượng tình nguyện viên cho công việc đón công dân, phân luồng, vận chuyển hành lý, phát đồ ăn, hướng dẫn người dân di chuyển vào khu cách ly tập trung…

...và người khuyết tật
...và người khuyết tật

Được về quê hương đợt này, chị Hứa Thị Liên, ở thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp xúc động chia sẻ, vợ chồng chị làm công nhân tại ấp Bến Cam, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Do dịch COVID-19, công ty cho nghỉ việc cả 2 tháng nay, trong khi chị lại vừa sinh con thứ 3 chưa đầy 4 tháng.

Cuộc sống quá khó khăn, không cầm cự được, nhiều lần chồng chị phải lên mạnh xã hội kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để họ hỗ trợ gạo, thực phẩm cho gia đình. Đợt này có xe từ Đắk Lắk lên đón công dân, may mắn gia đình chị được giúp đỡ để trở về quê trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Các công dân được lực lượng tình nguyện viên phục vụ đồ ăn sau khi xuống xe.
Các công dân được lực lượng tình nguyện viên phục vụ đồ ăn sau khi xuống xe.

Còn anh Y Brao Buôn Krông, ở xã Dliê Ya, huyện Krông Năng lại bộc bạch, vợ chồng anh vào Đồng Nai để làm ăn từ 4 năm trước. Bản thân anh bị khuyết tật bẩm sinh khiến hai chân teo nhỏ, đi lại khó khăn nên ở nhà giữ con cho vợ đi làm công nhân.

Cuộc sống thường ngày vốn đã chật vật, đợt này dịch bệnh công ty của vợ cho nghỉ việc lại càng khó khăn hơn, cái ăn hằng ngày đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân.

Khi nhận được thông tin tỉnh Đắk Lắk tổ chức đón công dân về quê, vợ chồng anh đăng ký ngay. Giờ về tới quê nhà, anh cảm thấy gia đình mình thật may mắn.

Công dân thực hiện khai báo y tế trước khi nhận phòng cách ly tập trung
Công dân thực hiện khai báo y tế trước khi nhận phòng cách ly tập trung.

Được biết, đây là đợt thứ 3 UBND tỉnh tổ chức Đoàn công tác vào vùng dịch đón công dân có hoàn cảnh khó khăn về địa phương (trước đó ngày 10 và 15-8, UBND tỉnh đã đón gần 700 công dân có hoàn cảnh khó khăn ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương).

Sự quan tâm và giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương chính là động lực to lớn để người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19. Bởi, đa số người đăng ký về quê đều là công nhân, người lao động tự do vào các tỉnh này thuê trọ để làm việc kiếm sống. Khi dịch bệnh ập đến, nhiều người, nhiều gia đình trong số họ phải nhận sự giúp đỡ về thực phẩm từ các nhà hảo tâm.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.