Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất:
Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến đối với 2 nội dung quan trọng
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, ngày 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có 10 điều, gồm: 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn. |
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường; những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ; có sự thống nhất cao giữa các cơ quan; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, cần bảo đảm chặt chẽ; giải quyết được những bức xúc, tắc nghẽn trong điều hành kinh tế - xã hội trong đầu tư, đất đai, dân sự...
Các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung theo Tờ trình, Dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết của Luật nhằm bảo đảm việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, tạo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, tránh cơ chế xin - cho, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí; làm rõ cơ sở pháp lý của việc ban hành luật; rà soát kỹ lưỡng các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tạo mâu thuẫn sau khi thông qua, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất nội tại của từng luật; đề nghị chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau...
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Duy Tiến. |
Góp ý đối với Dự án Luật này từ Hội trường Diên Hồng, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, hiện nay chưa nên tiến hành sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở) như phương án đề xuất trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động, đặc biệt phải có hướng xử lý thích hợp đối với vấn đề chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan để trình Quốc hội chỉnh sửa đồng bộ các quy định nhằm vừa sớm tháo gỡ được các vướng mắc, bất cập vừa đảm bảo khai thác, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người có đất chuyển nhượng.
Đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đã có 21 lượt ĐBQH đóng góp ý kiến. Hầu hết các đại biểu đồng tình, nhất trí với sự cần thiết của Dự án khi cho rằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có vai trò là trục xương sống, do đó rất cần thiết phải đầu tư tuyến đường này để phục hồi và phát triển kinh tế nhanh. Đây là dự án mang tính cấp thiết, đặc biệt quan trọng của đất nước, việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ hạn chế được tình trạng ùn tắc, quá tải, giảm được chi phí vận tải cao, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Các vị ĐBQH tham dự phiên họp đã đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung như: đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước để đầu tư cho các dự án giao thông; xem xét quy hoạch tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính lâu dài, bền vững cho việc quy hoạch 6 hay 8 làn xe, tiếp đó cắm mốc để bảo vệ lộ giới và giải phóng mặt bằng; đề nghị làm rõ vốn bố trí cho dự án và khả năng hấp thụ, giải ngân vốn. Bên cạnh đó, cần phải có phương án để thu phí, đấu thầu thu phí và chuyển quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước; cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thực tiễn cho thấy công tác này luôn làm ảnh hưởng đến dự án và là nguyên nhân chính dẫn đến dự án kéo dài; cần có cơ chế đặc thù để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch, đáp ứng thực tiễn như, chỉ định thầu từ thiết kế, giải phóng mặt bằng, kể cả thi công…
Ngày mai (11/1), vào buổi sáng Quốc hội nghỉ để các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH và hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết; vào buổi chiều Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc để biểu quyết, thông qua các nội dung của kỳ họp (phiên họp này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp).
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc