Multimedia Đọc Báo in

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn:

“Nóng” vấn đề cung ứng xăng dầu

14:46, 16/03/2022

Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên chất vấn.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh.

Trong phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, với các nội dung: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Cùng với đó là việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng 40-60%, trong khi sản xuất xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm đột ngột.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu chủ động nhập khẩu với sản lượng vượt so với bình thường để bù lại sản lượng thiếu hụt, đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

Liên quan đến công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho hay, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng; trong đó có 211 cửa hàng thông báo hết hàng đóng cửa, phần lớn các cửa hàng này đóng cửa do sự cố kỹ thuật, số còn lại là cửa hàng nhận xăng dầu từ Nhà máy Nghi Sơn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính đã điều hòa theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới, sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó, tuy biên độ giá tăng của thế giới từ 40-60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29-40%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 2 nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm) và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm). Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước; trong năm 2021 sản lượng sản xuất của hai nhà máy đạt 13,88 triệu m3.

Về nhập khẩu, hiện nay cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Trong năm 2021, cả nước nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 xăng dầu các loại.

Như vậy, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2021 khoảng 20,5 triệu m3.

Dự kiến, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3; trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.

Để bình ổn giá xăng dầu, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, Bộ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, sử dụng các quỹ bảo đảm an sinh xã hội…

Về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng cao, nhưng nền sản xuất của nước ta chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó là xuất phát từ lợi nhuận do buôn lậu, gian lận thương mại mang lại; thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, trong khi trang thiết bị của lực lượng thi hành công vụ còn đơn sơ; lực lượng quản lý thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu của tình hình mới…

Để kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là bộ đội biên phòng, hải quan; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công Thương.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công Thương tại phiên làm việc.

Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả hai phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc.

Đề xuất giải pháp thời gian tới, Bộ Trưởng Bộ Công Thương thông tin: Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt, ổn định lâu dài.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…) để tận dụng các kênh xuất khẩu khác như đường biển, đường sắt. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản để đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào số ít thị trường lớn, truyền thống…

Đánh giá phần trả lời của Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho hai câu chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ Trưởng về tình trạng buôn lậu, hàng giả hàng nhái, giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của nông dân. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã được đại biểu tại Đắk Lắk đánh giá cao.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân nhận định: “Đối với 2 câu hỏi của đại biểu Đắk Lắk đặt ra, Bộ Trưởng đã trả lời rất sát và đề ra giải pháp trong thời gian tới để bình ổn giá với các mặt hàng chủ lực. Trong công tác quản lý thị trường, cũng đã đề cập đến việc cần phải có giải pháp sát hơn để tăng được năng lực trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, đối với nội dung liên quan đến xuất khẩu mật ong, các đại biểu mong muốn Bộ Công Thương có giải pháp cụ thể hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới thay cho việc chúng ta chỉ thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ…”.

 Báo Đắk Lắk tiếp tục thông tin những vấn đề "nóng" tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.