Hội nghị trực tuyến Thủ tướng đối thoại với nông dân
Sáng 29/5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Tham dự và chủ trì có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị còn có sự tham gia của hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị. |
Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị là diễn đàn để các đại diện nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là quá trình thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Ban Tổ chức Hội nghị cũng cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 1.600 câu hỏi gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Qua tổng hợp, nội dung các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng lần này tập trung vào một số nội dung chính: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít nông dân bán vườn, bán tư liệu sản xuất, nhiều ý kiến kiến nghị, cần siết chặt quản lý, sớm sửa đổi Luật Đất đai; vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp...
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng mà chúng ta phải hằng ngày giải quyết. Cùng với tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, liên quan tới cạnh tranh chiến lược, xung đột tại Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên liệu đầu vào, lạm phát tăng cao tại các đối tác lớn của Việt Nam; vấn đề an ninh lương thực nổi lên… Tất cả những điều này tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để cùng ngành nông nghiệp, cùng người nông dân giải quyết các khó khăn đang hiện hữu và cả những khó khăn trong tương lai có thể xuất hiện mà chúng ta chưa dự báo được. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…
Llãnh đạo của các Bộ lên bàn chủ toạ để điều hành các phiên đối thoại trong Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân 2022. |
Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, đảm bảo hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy…
Cùng với sự kiện đối thoại của Thủ tướng với nông dân, tối 28/5, Trung ươmg Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Sơn La đồng tổ chức lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Quảng trường Tây Bắc. Quy mô Festival dự kiến khoảng 500 gian hàng chia thành các khu vực: "Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra thế giới"; triển lãm "Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam"; triển lãm "Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của tỉnh Sơn La"... Mỗi tỉnh, thành phố sẽ tham gia 1-2 gian hàng, trưng bày các sản phẩm trái cây đặc hữu và sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc