Multimedia Đọc Báo in

Xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đèo Cư Djrê, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo

15:11, 13/09/2023

UBND tỉnh vừa có Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 11/9/2023 về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đèo Cư Djrê, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo.

Đèo Cư Djrê thuộc địa phận xã Ea Ral (huyện Ea H’leo), là một vị trí nằm trên Quốc lộ 14 giữa TP. Pleiku (Gia Lai) đi TP. Buôn Ma Thuột; đoạn đường đèo dài hơn 3km uốn lượn quanh co giữa núi cao và vực thẳm. Với địa thế hiểm trở và có tầm chiến lược nên trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã lập các phòng tuyến chốt chặn không cho quân địch tiến đánh Bắc Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Trung Bộ vào đầu năm 1946. 

Đài tưởng niệm liệt sĩ đèo Cư Djrê.

Tháng 7/1954, cũng tại đèo Cư Djrê quân ta đã tổ chức trận đánh phục kích và đã tiêu diệt toàn bộ quân Pháp rút chạy từ Pleiku về cố thủ Buôn Ma Thuột, tạo thuận lợi cho quân và dân ta đánh thắng quân xâm lược Pháp, giải phóng hoàn toàn Đắk Lắk và Tây Nguyên năm 1954, góp phần cùng cả nước chủ động kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp khi Hiệp định Genéve được ký kết.

Để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại trận địa đèo Cư Djrê trong kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu là trận phục kích quân Pháp rút chạy từ Pleiku về cố thủ Buôn Ma Thuột ngày 17/7/1954, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ea H’leo đã xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ đèo Cư Djrê. Đây được xem một tác phẩm nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ cao, ẩn chứa trong đó là khí thế oai hùng, hiên ngang của những người lính đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đèo Cư Djrê, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo có ý nghĩa lớn lao; nhằm giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông; đồng thời kết hợp với Di tích lịch sử Sở Chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 và các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch khác của huyện Ea H’leo như Khu bảo tồn vườn Thủy Tùng (xã Ea Ral), Khu Du lịch sinh thái Ngọc Phụng tại thị trấn Ea Drăng, các khu điện gió… để phát triển du lịch.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.